Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì phài làm sao
04/05/2017 17:31
Dear Luật Sư Bảo Chính, Xin cám ơn luật sư đã tư vấn lần trước, nay mình xin nhờ luật Bảo Chính tư vấn giúp mình trường hợp này ạ: Văn Phòng Đại Diện Nước Ngoài 100% của nước ngoài không có chức năng kinh doanh tại việt nam( R.O) muốn thuê căn hộ chung cư của 1 cá nhân ( Bà A) làm nhà ở cho nhân viên công ty, bao gồm cả nhân viên Việt Nam ( hiện có 1 người là trưởng phòng đại diện), và sau này có thể có cả nhân viên nước ngoài. Tiền thuê 2000 usd/ 1 tháng, hợp đồng thuê nhà là 5 năm, thì mình muốn hỏi các vấn đề sau:
1. Văn phòng đại diện ký hợp đồng thuê nhà với bà A thì cần làm những gì để chi phí đó là hợp lý, cần phải đóng những khoản thuế gì không?
2. Khoản tiền thuê nhà đó nếu trong hợp đồng ghi là cho nhân viên ở thì có cần phải ghi chi tiết danh sách nhân viên ở không? và khoản tiền thuê nhà đó có bị khống chế tại mức bao nhiêu không? và có phải nộp thuế Thu nhập cá nhân cho nhân viên được ở trên khoản tiền đó không ?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, những chi phí hợp lý và các khoản thuế phải nộp khi thuê nhà.
- Những chi phí hợp lý:
Căn cứ quy định tại điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định:
Về việc tiền thuê nhà được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản 2.5 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:
"2.5. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân."
Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ để xác định tiền thuê nhà của cá nhân được tính vào chi phí hợp lý bao gồm:
- Hợp đồng thuê nhà
- Chứng từ trả tiền thuê nhà: Phiếu chi, lệnh chi, ủy nhiệm chi, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hợp đồng thuê từ 20 triệu trở lên
Nếu bên văn phòng đại diện nộp thuế thay cho chủ nhà theo thỏa thuận tại hợp đồng thì cần thêm:
- Chứng từ nộp thuế thay cá nhân (biên lai thu thuế của kho bạc nhà nước)
Như vậy, Nếu như Văn phòng đại diện nộp thuế thay cho bên A thì sẽ phải nộp các loại thuế sau:
- Thuế môn bài: mức đóng là 1 triệu đồng/năm ( nếu 6 tháng cuối năm là 500.000).
- Thuế thu nhập cá nhân và thuế Giá trị gia tăng vì tiền thuê nhà 1 tháng là: 2000usd/tháng= 45 020 000 vnd. Do đó, tiền thuê nhà 1 năm = 540 240 000 vnd > 100 triệu/năm. Căn cứ quy định tại điều 4, Thông tư số 92/2015 quy định như sau: Đối với cá nhân cho thuê tài sản thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản. [....]
Thứ hai, vấn đề ghi chi tiết danh sách nhân viên, khống chế mức tiền thuê nhà, vấn đề nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên trên khoản tiền đó.
- Việc trong hợp đồng có ghi chi tiết danh sách nhân viên ở hay không phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên.
- Khoản tiền thuê nhà do hai bên thỏa thuận.
- Thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên được ở trên khoản tiền thuê nhà như sau:
Điều 11 Thông tư 151/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tiết đ/1, điểm đ, khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (gọi chung là Thông tư số 111/2013/TT-BTC) như sau:
“đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng, cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.”
Theo quy định nêu trên thì các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức thì được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Theo đó, “Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.”
Tức là, khoản tiền thuê nhà mà đơn vị sử dụng lao động trả hộ cho người lao động không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế. Có nghĩa là tiền thuê nhà bằng 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế. Phần còn lại của khoản tiền thuê nhà do người sử dụng lao động trả hộ sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.