Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe khi bị mất
04/05/2017 17:15
Xin chào luật sư. Tôi có vấn đề muốn được luật sư trợ giúp như sau: Vừa qua tôi có đánh rơi mất ví trong đó có giấy đăng ký xe máy và bằng lái xe A1, B2 (đã gộp lại = thẻ nhựa PET năm 2015 tại sở GTVT Tp. Bà Rịa - Bà Rịa Vũng Tàu).
Vậy mong luật sư tư vấn cho tôi:
1. Xe máy tôi mua đứng tên mình từ năm 2005 biển số 18 tỉnh Nam Định, nhưng bây giờ hộ khẩu và CMND của tôi đều đã chuyển vào TP. HCM. Vậy tôi có thể làm lại giấy tờ xe của mình tại TP. HCM ko, nếu được thì tôi cần chuẩn bị trước những cái gì? (Hiện thời điểm mua xe tôi cũng ko có hồ sơ gốc, chỉ có giấy đăng ký xe và hóa đơn bán hàng của cửa hàng thôi)
2. Về bằng lái xe máy A1 tôi thi ngoài Hà Nội năm 1999, bằng oto B2 thi trong TP.HCM năm 2011, nhưng năm ngoái 2015 tôi đã gộp 2 bằng đó vào chung 1 cái thẻ nhựa PET tại sở GTVT Bà Rịa – Vũng Tàu, vậy bây giờ tôi có quay lại sở GTVT Bà Rịa- Vũng Tàu yêu cầu cấp lại được ko hay lại phải ra HN và lên TP.HCM xin cấp lại, Nếu ở Bà Rịa – Vũng tàu cấp được thì tôi cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Rất mong nhận được sự tư vấn từ phía Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe:
Điều 15 thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe có quy định:
Điều 15. Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mất
1. Hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mất bao gồm:
a) Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
b) Các giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhân viên nước ngoài, phải có:
- Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước (đối với cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế) hoặc Sở Ngoại vụ (đối với cơ quan lãnh sự).
- Công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế.
- Đối với nhân viên nước ngoài phải xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng).
2. Khi cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe thì giữ nguyên biển số. Trường hợp xe đang sử dụng biển 3 số hoặc 4 số hoặc khác hệ biển thì đổi sang biển 5 số theo quy định.
Trường hợp xe đã đăng ký, cấp biển số nhưng chủ xe đã làm thủ tục sang tên, di chuyển đi địa phương khác, nay chủ xe đề nghị đăng ký lại nguyên chủ thì giải quyết đăng ký lại và giữ nguyên biển số cũ; trường hợp biển số cũ là biển 3 số hoặc 4 số hoặc khác hệ biển thì cấp đổi sang biển 5 số theo quy định
Theo đó, bạn cần chuẩn bị hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe bị mất bao gồm:
+ Giấy đăng ký xe theo mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe.
+ Chứng minh nhân dân. Trường hợp chưa được cấp Chứng minh nhân dân hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong Chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu;
Bạn nộp hồ sơ đến phòng cảnh sát giao thông công an huyện, tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương nơi đã cấp giấy đăng ký xe đã mất tức công an huyện, hoặc tỉnh Nam Định nơi đã cấp giấy đăng ký xe cho bạn trước đó.
Về việc cấp lại giấy phép lái xe ô tô và xe máy khi đã làm thủ tục chuyển đổi sang Giấy phép lái xe vật liệu PET:
Việc cấp lại giấy phép lái xe được quy định tại Điều 48 Thông tư 58/2015/TT-BGTVT như sau:
"Điều 48. Cấp lại giấy phép lái xe
1. Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng
a) Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;
b) Từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.
Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Thông tư này.
2. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Hệ thống thông tin giấy phép lái xe, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
d) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu gồm: giấy chứng minh nhân dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Khi đến cấp lại giấy phép lái xe, người lái xe được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh.
3. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Hệ thống thông tin giấy phép lái xe, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung:
a) Quá từ sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết;
b) Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 31 của Thông tư này.
4. Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ hai, nếu có nhu cầu cấp lại:
a) Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch; khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Hệ thống thông tin giấy phép lái xe, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;
b) Trên 02 năm, kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất thì được xử lý cấp lại như mất lần thứ nhất.
Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 31 của Thông tư này.
5. Người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ ba trở lên, nếu có nhu cầu cấp lại:
a) Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần trước đó; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch; khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Hệ thống thông tin giấy phép lái xe, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe;
b) Trên 02 năm, kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần trước đó thì được xử lý cấp lại như mất lần thứ nhất.
Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 31 của Thông tư này.
6. Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe cấp lại (phục hồi), được tính theo ngày trúng tuyển của giấy phép lái xe cũ.
7. Thời gian cấp lại giấy phép lái xe thực hiện như đối với cấp mới.
8. Người dự sát hạch lại có nhu cầu ôn tập, đăng ký với các cơ sở đào tạo lái xe để được hướng dẫn ôn tập, phải nộp phí ôn tập theo quy định, không phải học lại theo chương trình đào tạo.
9. Người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng, nhưng không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu có nhu cầu được lập lại hồ sơ gốc.
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đã cấp giấy phép lái xe). Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
Cơ quan cấp giấy phép lái xe kiểm tra, xác nhận và đóng dấu, ghi rõ: số, hạng giấy phép lái xe được cấp, ngày sát hạch (nếu có), tên cơ sở đào tạo (nếu có) vào góc trên bên phải đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe và trả cho người lái xe tự bảo quản để thay hồ sơ gốc."
Như vậy, theo quy định trên, bạn lập 01 bộ hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT;
+ Bản chính hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
+ Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu gồm: giấy chứng minh nhân dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Bạn gửi trực tiếp hồ sơ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh để được cấp lại giấy phép lái xe mà không cần về cơ quan đã cấp giấy phép lái xe trước đây để làm thủ tục này.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.