Bồi thường học bổng, chi phí đào tạo chế độ cử tuyển
27/09/2016 11:21Anh X là một bác sĩ răng hàm mặt được đào tạo chế độ cử tuyển. Khi tốt nghiệp, anh X không được phân công về công tác tại khoa y tế công cộng của trung tâm y tế dự phòng huyện, quản lí sổ sách của chương trình nha học đường (không làm nhiệm vụ theo đúng chuyên môn tôi được đào tạo) đồng thời phụ trách công việc truyền thông giáo dục sức khỏe. Anh X đã công tác tại đơn vị trên 12 tháng nhưng vẫn không được làm công tác chuyên môn tôi được đào tạo. Anh X muốn biết, việc sắp xếp công việc không đúng chuyên môn đào tạo trong trường hợp của anh có vi phạm quy định về tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học theo chể độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không? Anh X muốn xin nghỉ việc với lý do không được bố trí công việc đúng chuyên môn đào tạo thì có phải bồi thường học bổng, chi phí đào tạo không?
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, người học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:
- Được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển;
Được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo;
- Được tiếp nhận và xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Về việc xét tuyển vào vị trí việc làm cho người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp tại Điều 11 Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định:
“Điều 11. Tiếp nhận, xét tuyển vào vị trí việc làm cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp
1. Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán Bộ, Công chức và Luật Viên chức đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
3. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, địa phương nơi cử anh X đi đào tạo sẽ thực hiện “xét tuyển vào vị trí việc làm” cho anh X. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên Chức cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp. Người được cử đi học theo chế độ cử tuyển phải chấp hành sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP và nghị định 49/2015/NĐ-CP sửa đổi 1 số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP lại không quy định cụ thể về việc người được đào tạo theo chuyên ngành sau khi tốt nghiệp cũng phải đảm bảo việc làm đúng chuyên ngành mà chỉ nêu quy định chung chung về tiếp nhận và xét tuyển vào vị trí việc làm. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chế độ học cử tuyển là chế độ của nhà nước nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, đối tượng được cử tuyển là những đối tượng được ưu tiên hơn so với những người bình thường khác khi thi tuyển vào trường Đại học, cao đẳng, đồng thời lại được miễn toàn bộ học phí...thêm vào đó,việc đào tạo cử tuyển kéo dài trong nhiều năm cộng với việc địa phương chỉ dựa vào tình hình thực tế thiếu nhân lực mà lựa chọn số lượng người để đào tạo cử tuyển, nên không thể có sự chính xác tuyệt đối đối với việc đảm bảo việc làm đúng theo ngành đã đào tạo cho người được đào tạo cử tuyển. Do đó, việc anh X được sắp sếp công việc không theo đúng chuyên ngành cũng không thể hiểu là trái với quy định của pháp luật.
Do vậy, việc anh X muốn xin nghỉ với lý do Sơe không phân công cho anh X làm việc đúng chuyên ngành được cử đi đào tạo là không phù hợp với quy định của pháp luật và có thể thuộc vào trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chí phí đào tạo theo Điều 12 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.
Trên đây là những ý kiến pháp lý cơ bản của chúng tôi về vụ việc của quý khách, hy vọng có thể giúp quý khách tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề.
Để mời luật sư tư vấn luật và tham gia giải quyết các vụ án quý khách liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Phòng 308, Tòa nhà số 8, Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hoặc nghe luật sư tư vấn trước những nội dung liên quan khi gọi tới Tổng đài tư vấn luật 19006281 của Công ty luật Bảo Chính.
Trân trọng./.