Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới.
13/05/2017 09:28
Tôi có nhu cầu tư vấn vấn đề cụ thể như sau: Bắt đầu từ năm 2016 theo quy định của Luật lao động, người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm dựa trên mức lương + phụ cấp lương. Năm 2018: Đóng dựa trên mức lương + phụ cấp lương + phụ cấp bổ sung khác.
Vậy có thể cho hỏi một số câu như sau: Phụ cấp bổ sung khác bao gồm những loại phụ cấp gì? tiền thưởng có phải đóng bảo hiểm không? có phải thể hiện các loại thưởng lên thang bảng lương không? Các loại phụ cấp: phụ cấp thuê nhà, phụ cấp xăng xe, phụ cấp điện thoại, phụ cấp con nhỏ có phải là phụ cấp tính vào lương để trích bảo hiểm không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, phụ cấp bổ sung khác bao gồm những loại phụ cấp gì?
Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì:
Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.”
Đây là quy định mới nhất về vấn đề bảo hiểm hiện nay, vì là vấn đề mới, hơn nữa tới năm 2018 mới có hiệu lực về các khoản bổ sung, phụ cấp lương nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đưa ra quy định chi tiết cụ thể về việc này. Tuy nhiên, trong một số quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH thì:
Điều 3. Tiền lương
“Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.”
Thứ hai, tiền thưởng có phải đóng bảo hiểm không? có phải thể hiện các loại thưởng lên thang bảng lương không?
Tiền thường về bản chất là khoản tiền bổ sung cho tiền lương nhằm quán triệt hơn nguyên tắc phân phối theo lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiền thưởng là một trong những biện pháp khuyến khích vật chất đối với người lao động trong quá trình làm việc. Qua đó nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian làm việc. Khoản tiền thưởng còn phụ thuộc vào năng suất lao động và khả năng của mỗi doanh nghiệp và có thể phát sinh không đồng đều nhau qua các tháng. Hơn nữa cũng tại khái niệm về các khoản bổ sung khác thì tiền thưởng chỉ tính làm căn cứ để nộp thuế thu nhập cá nhân chứ không phải đóng bảo hiểm. Việc thể hiện tiền thưởng chỉ quy định tại nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động chứ không phải thể hiện trên thang bảng lương.
Thứ ba, Các loại phụ cấp: phụ cấp thuê nhà, phụ cấp xăng xe, phụ cấp điện thoại, phụ cấp con nhỏ có phải là phụ cấp tính vào lương để trích bảo hiểm không?
Vấn đề về các loại phụ cấp để tính vào lương để trích bảo hiểm hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn, việc phụ cấp lương và các khoản bổ sung được áp dụng từ năm 2018, và có thể trong khoảng thời gian tới sẽ có văn bản cụ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.