Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí.?
13/05/2017 11:22
Em chào anh/chị! Anh/ chị cho em hỏi là em đóng BHXH bắt buộc được 3 năm rồi, do công ty hay nợ Bảo hiểm nên em muốn chốt sổ để chuyển sang đóng tự nguyện.
Vậy em phải đóng tự nguyện bao nhiêu năm nữa để được lương hưu ạ? Mức đóng tối thiểu của BHXH tự nguyện là bao nhiêu ạ? E xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014 khoản 3 Điều 3 quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Theo khoản 4 Điêu 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối chiếu với quy định nêu trên nếu chị chốt sổ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nữa thì chị có thể lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất khi đủ điều kiện được hưởng.
Thứ hai, thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Về thời gian đóng bảo hiểm.
Điều 73 quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí như sau:
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Vậy, chị phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm tự nguyện thì mới được hưởng lương hưu. Chị đã đóng bảo hiểm được 3 năm, vậy chị cần đóng 17 năm nữa. Bên cạnh chế độ hưu trí, người tham gia bảo hiểm tự nguyện còn được hưởng chế độ tử tuất nếu đáp ứng đủ các yêu cầu tại Điều 80 và 81 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Điều 80: Trợ cấp mai táng:
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:
a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;
b) Người đang hưởng lương hưu.
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điềunày chết.
3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 81: Trợ cấp tuất.
1. Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.
- Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện :
Theo quy định tại khoản 1 điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức đóng bảo hiểm được quy định như sau:
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, nếu chị muốn đóng bảo hiểm tự nguyện, mức đóng của chị là 22% mức thu nhập hàng tháng của chị.
Tuy nhiên, chị cũng cần lưu ý: trong trường hợp công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình chị có thể kiến nghị đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để yêu cầu công ty đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.