Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
13/05/2017 11:01Thưa luật sư! Vì điều kiện công ty gặp khó khăn nên không bố trí được việc làm, có thông báo cho tôi tạm hoãn hợp đồng. Vậy cho tôi hỏi theo luật thì tôi có thể tạm hoãn tối đa bao lâu, có được đóng bảo hiểm, hưởng quyền lợi bảo hiểm không? Và sau hết thời gian tạm hoãn liệu phía công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng:
Điều 32 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:
“Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận”.
Về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tạm thực hiện hợp đồng lao động:
Pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội không có quy định cụ thể về việc trả lương và thực hiện bảo hiểm xã hội trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Do đó, các bên có thể thoả thuận thông qua đại diện tập thể người lao động.
Căn cứ khoản 7, Điều 22 Luật Công đoàn 2012 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn: Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Trong trường hợp có nhiều người lao động phải tạm hoãn, thì Ban chấp hành Công đoàn công ty hoặc đại diện Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi chưa có Công đoàn cơ sở) sẽ đại diện tập thể người lao động cùng với người sử dụng lao động tuyên truyền phổ biến cho người lao động hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; phối hợp với người sử dụng lao động tham gia xây dựng tiêu chí phân loại lao động làm căn cứ lập phương án sắp xếp lao động, đối tượng, số lượng cần tạm hoãn hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn và các quyền lợi khác liên quan đến người lao động; phối hợp tổ chức Hội nghị người lao động bất thường để thảo luận và hoàn thiện tiêu chí phân loại lao động làm căn cứ lập phương án sắp xếp lao động và phương án hỗ trợ người lao động về tiền lương và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Về việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng như sau:
Điều 10 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 10. Nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
Việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điều 33 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Những trường hợp NLĐ không nhất trí tạm hoãn HĐLĐ thì hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ và giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng do 2 bên tự thỏa thuận. Hết thời hạn tạm hoãn người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Nếu như hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà công ty không bố trí được công việc vì lý do kinh tế và công ty đã xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Có nghĩa là công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.