Quy định về việc trả lương của người sử dụng lao động. Trách nhiệm trả lương của người sử dụng lao động.
13/05/2017 10:27
Công ty tôi vừa xảy ra một mâu thuẫn nhỏ về việc trả lương cho nhân viên. Hàng tháng chúng tôi nhận lương của tháng trước vào ngày 1-5 của tháng sau. Tháng 1/2017 do là tháng giáp tết nên công ty đã chốt lương 3 tuần của tháng một đã trả và còn giữ lại 1 tuần của tháng 1. Vào tháng 2 tôi được nhận đủ lương nhưng ngày trả lương thì sớm hơn, trả vào ngày 24 tháng 2. Và thông báo sẽ trả lương sớm cho chúng tôi 1 tuần là vào 24-30 hàng tháng. Tôi có hỏi còn 1 tuần lương của tháng 1 đâu thì được trả lời là đã tính vào lương của tháng 2 và giải thích là vì sẽ chốt lương vào ngày 24 hàng tháng nên chúng tôi sẽ lãnh lương từ ngày 24 tháng 1 đến 24 tháng 2. Tôi không đồng ý vì tôi làm trọn tháng dẫu cho công ty có trả trễ hay sớm thì công ty cũng phải trả tôi đủ 4 tuần, và lương của tôi tháng nào cũng phải giống nhau chứ không thể hụt đi như tháng 1 được. Vậy hình thức trả lương công ty tôi hiện tại có chính xác vì nếu cách tính cũ hai tháng làm việc của tôi thì được trả đủ 8 tuần lương. Còn theo cách tính mới thì hai tháng làm việc của tôi chỉ có 7 tuần lương, thiếu mất của tôi 1 tuần. Tôi đã khiếu nại rất nhiều lần, và công ty vẫn nói là trả đủ, nhưng trên giấy tờ cộng lại số tiền của tôi vẫn thiếu.
Mong luật sư giải đáp giúp tôi! Chân thành cảm ơn luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Điều 95 Bộ luật Lao động 2012 quy định kỳ hạn trả lương như sau:
“Điều 95. Kỳ hạn trả lương
1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Điều 96 Bộ luật lao động 2012 quy định Nguyên tắc trả lương như sau:
"Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Theo quy định trên, kỳ hạn trả lương sẽ được trả theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động.
Theo thông tin bạn cung cấp, đơn vị bạn thỏa thuận trả lương vào ngày 1-5 hàng tháng. Tháng 1 công ty bạn chốt lương 3 tuần của tháng 1 và trả cho người lao động; còn giữa lại 1 tuần của tháng 1. Vào tháng 2, bạn được trả lương sớm vào ngày 24 hàng tháng, và thông báo sau đó sẽ trả lương từ sau vào ngày 24 đến ngày 30 hàng tháng. Tuy nhiên, khi trả lương tháng 2, công ty chỉ trả phần lương của tháng 2, còn 1 tuần lương của tháng 1 công ty không thanh toán. Như vậy, việc trả lương của công ty bạn vào 24/2 là vi phạm nguyên tắc trả lương.
Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên làm đơn kiến nghị tới Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi công ty có trụ sở hoạt động để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.