Quy định của pháp luật về làm thêm giờ
28/03/2017 09:02Hiện em đang làm nhân viên may cho một công ty tại Hải Dương. Thời gian gần đây công ty em bắt buộc nhân viên phải tăng ca làm thêm 2 tiếng đến 19h00 , trong khi thời gian bắt đầu làm việc vẫn không thay đổi là từ 8h00 . Nếu ai không chấp nhận thì sẽ bị quản lý đuổi việc. Hiện chúng em rất bức xúc, luật sư có thể tư vấn cho em các quy định của pháp luật về vấn đề này và phương án giải quyết được không? Em thay mặt anh chị em công nhân xin cảm ơn luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Với trường hợp mà bạn đang vướng mắc, Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Theo Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định làm thêm giờ như sau:
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Điều này được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 quy định:
1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:
a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;
b) Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:
a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
b) Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;
b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.
Bên cạnh đó, theo Điều 107 Bộ luật lao động 2012 quy định làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt:
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Như vậy, trường hợp công ty bạn bắt buộc người lao động làm việc thêm 2 tiếng đồng hồ đến 19h00 đã không đáp ứng đủ điều kiện về quy định làm thêm giờ theo Điều 106 bộ luật lao động là phải được sự đồng ý của người lao động. Ngoài ra việc bắt buộc nhân viên làm thêm giờ không thuộc các trường hợp quy định làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt tại Điều 107 bộ luật lao động. Công ty bạn đã vi phạm các quy định về làm thêm giờ. Hành vi này sẽ bị xử lý Theo Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.
2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.
Về phương án giải quyết bạn có thể tham khảo như sau:
1.Thực hiện việc khiếu nại:
Bạn có thể thực hiện việc khiếu nại quyết định của chủ sử dụng lao động về việc làm thêm giờ. Khiếu nại lần đầu được gửi đến người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết bạn thực hiện việc khiếu nại lần 2 đến chánh thanh tra sở giao động thương binh xã hội tỉnh Hải Dương.
-Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Lưu ý khi gửi đơn khiếu nại kèm theo các tài liệu chứng cứ liên quan.
2.Thực hiện việc tố cáo:
Bạn nộp đơn tố cáo cùng các tài liệu liên quan đến Sở Lao Động thương binh và xã hội Tỉnh Hải Dương yêu cầu giải quyết.
Thời hạn giải quyết tố cáo
- 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết, với vụ việc phức tạp là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
- Trường hợp cần thiết có thể gia hạn thời hạn 01 lần nhưng không quá 30 ngày, với vụ việc phức tạp không quá 60 ngày.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo chính cho trường hợp của bạn. Hi vọng với sự tư vấn của chúng tôi, các bạn sẽ tìm ra phương án phù hợp để đòi được quyền lợi chính đáng cho mình. Nếu còn gì vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để tiếp tục nhận được sự giải đáp, hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Chúc bạn thành công!
Trân trọng.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng công ty luật Bảo chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách muốn mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.