Người sử dụng lao động không ký hợp đồng, thông báo nghỉ việc và không trả lương?
16/01/2018 15:35Người sử dụng lao động không ký hợp đồng, thông báo nghỉ việc và không trả lương? Em làm cho một công ty tư nhân và cũng có một chút quen biết nên không làm hợp đồng lao động ạ, cuối tháng 12 ngày 24-12 do hai bên có mâu thuẫn lí do là em xin nghỉ hai ngày đã được cho phép nhưng đến khi em về thì chủ nói nhiều lời không hay về em nên em nghỉ ạ, sau đó chị này có nhắn tin hứa trả lương nhưng em vẫn chưa nhận được nên hôm nay ngày 2 tháng 1 em có gọi hỏi thì chị ấy có nói với em là em không có bằng chứng nên chị ấy vui thì trả buồn thì không trả, em muốn hỏi trong trường hợp này em phải và nên làm gì ạ?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Cúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông cung cấp, công ty tư nhân đó đã không ký kết hợp đồng lao động với bạn và cũng không tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn là vi phạm luật. Về vấn đề tiền lương, bạn có quyền khiếu nại lên cấp trên của công ty, để yêu cầu công ty thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho bạn. Trường hợp, phía công ty không chi trả tiền lương cho bạn, bạn có quyền nộp đơn khiếu nại lên Sở thương binh và xã hội ở địa phương để yêu cầu giải quyết và bên cạnh đó trình bày hành vi vi phạm của công ty.
Theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2012, Điều 18 về Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động:
“1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
…”
Theo nghị định 95/2013/Nđ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,… tại Điều 5 quy định về việc Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động:
“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…”
Theo đó, khi nhận người lao động vào làm việc, công ty phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động với người lao động, và chịu trách nhiệm hành chính cho hành vi vi phạm này của mình. Việc giữa bạn và công ty không thực hiện ký kết hợp đồng lao động nhưng nếu bạn đã làm việc với thời hạn trong công ty là trên 3 tháng, thì coi như giữa 2 bên đã xác lập quan hệ lao động theo pháp luật lao động.
Khi đó, với tư cách là người lao động trong công ty, bạn vẫn phải có nghĩa vụ tuân thủ nội quy lao động của công ty, và tuân thủ pháp luật về lao động, khi có sự vi phạm kỷ luật của công ty, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của nội quy công ty và theo pháp luật lao động. Phía công ty cũng phải tuân thủ các quy định của Luật Lao động đối với bạn.
Do bạn không nói rõ thời gian làm việc bao lâu nên chúng tôi khó có thể tư vấn chính xác về hành vi trốn đóng bảo hiểm của công ty. Tuy nhiên, với hành vi đó công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Người sử dụng lao động không ký hợp đồng, thông báo nghỉ việc và không trả lương?” cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!