Nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?
13/05/2017 18:39Xin hỏi luật sư, em sang Đài Loan làm việc được 11 năm rồi. Và thời hạn còn 1 năm nữa là 12 năm.. em muốn hỏi khi em về hết han 12 năm.. có được qua đài loan làm nữa không .. em làm 11 năm rồi và chỉ làm 1 cty này thôi ?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Việc giao kết hợp đồng lao động là quyền của người lao động và người sử dụng lao động. Hai bên có thể tự do giao kết hợp đồng với nhau một cách tự nguyện nhưng không được trái quy định của pháp luât Việt Nam và quy định pháp luật của quốc gia người sử dụng lao động. Hiện tại, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, không có quy định nào giới hạn thời gian làm việc tại nước ngoài của người lao động. Tuy nhiên, khi tham gia lao động tại nước ngoài người lao động cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động lao động tại nước ngoài.
Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định như sau:
"Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;
2. Chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;
3. Tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
4. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
5. Làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
6. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
7. Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
8. Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
9. Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này."
Theo đó, người lao động làm việc ở nước ngoài phải tuân thủ thời gian lao động đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Khi chấp dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập, người lao động phải về nước. Sau khi về nước, nếu như người lao động tiếp tục ký kết hợp đồng lao động khác thì người lao động có thể tiếp tục ra nước ngoài làm việc theo nội dung hợp đồng lao động mới. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 .
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.