Nghỉ việc nhưng công ty không trả sổ bảo hiểm và tiền lương.
14/05/2017 22:03Công ty tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài nguyên và Môi trường Biển thuộc tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ở Số 143/85 phố Hạ Đình - phường Thanh Xuân Trung- quận Thanh Xuân - Thành phố Hà Nội. Bạn tôi vào làm năm 2004 và được biên chế đóng bảo hiểm từ năm 2006, đến tháng 4 năm 2015 thì xin nghỉ việc lý do công ty trả lương thấp quá, bạn tôi có làm đơn xin nghỉ việc và được công ty chấp nhận, đến cuối năm 2015 công ty vẫn chưa trả hết số tiền lương còn lại và chưa trả sổ bảo hiểm. Luật sư cho tôi hỏi khi xin nghỉ việc được công ty đồng ý nhưng bạn tôi không xin được sổ bảo hiểm, công ty không trả sổ bảo hiểm thì làm sao? Không trả sổ bảo hiểm cho người lao động thì vi phạm pháp luật không? Cảm ơn Luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, trong một thời gian nhất định, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động và phải thoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nếu không thực hiện các nội dung trên, thì người sử dụng lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:
"1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Đồng thời, người sử dụng lao động bị buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với hành vi không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động và phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Để bảo vệ quyền lợi, bạn của bạn có thể làm đơn kiến nghị đến Hòa giả viên lao động cấp quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu được giải quyết hoặc gởi đơn khởi kiện kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được thụ lý giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.