Mức lương dành cho người lao động đã qua học nghề.
13/05/2017 10:26Chào Luật sư! Tôi là lao động đã qua đào tạo nghề nhưng công ty lại trả lương bằng mức lao động chưa qua đào tạo. Như vậy có đúng không? Xin cảm ơn Luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về câu hỏi của bạn, Công ty luật Bảo Chính trả lời bạn như sau:
Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định:
Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất;
b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề quy định tại Khoản 2 Điều này.
Khoản 2 Điều 5 Nghị định 122/2015/NĐ-CP cũng quy định việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với Người lao động đã qua học nghề, bao gồm:
a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;
đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;
e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;
g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Như vậy, mức lương giữa người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận so với người lao động đã qua học nghề đều tuân thủ trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và cá nhân người lao động đó.
Pháp luật không quy định cụ thể mức lương đối với người lao động đã qua học nghề và không qua học nghề, mà chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với cả 2 đối tượng này.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định:
Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:
a) Mức 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùngIII.
d) Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Dựa trên sự thỏa thuận và dựa trên mức lương tối thiểu vùng được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 122/2015/NĐ-CP để các bên đạt được thỏa thuận về mức tiền lương sao cho phù hợp nhất, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Trường hợp này, việc công ty bạn trả lương cho bạn là người lao động đã qua học nghề bằng với mức lương dành cho người lao động không qua học nghề. Nếu giữa bạn và công ty đã đạt sự thỏa thuận về mức tiền lương, mà công ty bạn vẫn áp dụng đúng mức tiền lương tối thiểu vùng như quy định nêu trên thì công ty bạn trả lương như vậy hoàn toàn không vi phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được tư vấn tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn vui lòng gọi 1900 6281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại...xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.