Làm công việc nặng nhọc, độc hại khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu thế nào?
13/05/2017 23:51Năm nay tôi đúng 50 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm là 19 năm 6 tháng. Bản thân làm công việc có tính chất độc hại theo danh mục của Quyết định 1629/LĐTBXH ngày 26/12/1997. Nay tôi có nguyện vọng muốn về hưu trước tuổi có được không? Nếu về thì chế độ hưu được tính như thế nào?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
Theo như quy định trên, lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại được hưởng lương hưu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Độ tuổi: Từ đủ 50 đến 55 tuổi
- Có đủ 15 năm làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn hiện nay đã tròn 50 tuổi, làm công việc nặng nhọc, độc hại nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 19 năm 6 tháng. Nghĩa là bạn chưa có đủ 20 đóng bảo hiểm xã hội nên bạn cần đóng bảo hiểm xã hội thêm 6 tháng nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên tại khoản 6 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định:
6. Việc xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng; trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Vì bạn còn thiếu 6 tháng nữa là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nên theo quy định trên bạn có thể đóng một lần cho 6 tháng còn thiếu để hưởng lương hưu.
Khi nghỉ hưu bạn sẽ được hưởng mức lương hưu hàng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, bạn đóng tròn 20 năm bảo hiểm xã hội nên mức lương bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.