Không ký hợp đồng lao động thì tiền lương và thời giờ làm việc tính thế nào?
13/05/2017 23:38
Ngày 13/10/2015 tôi được nhận vào làm vị trí nhân viên văn phòng kinh doanh với mức lương thử việc là 3.500.000 đồng thời gian là 1 tháng và không ký một bản hợp đồng nào, không có quyết định tiếp nhận công việc, nhưng làm được nửa ngày đầu thì chuyển tôi lên làm nhân viên phòng lắp đặt và không có thỏa thuận nào khác.Tôi tốt nghiệp cao đẳng nghành Quản Trị Kinh Doanh, nhưng sau đó chuyển tôi lên làm kỹ thuật thì tôi thử việc tối đa là 6 ngày theo luật lao động đúng không? Xin luật sư cho tôi hỏi các vấn đề sau:
1. Công ty làm việc 1 ngày 8 tiếng nghĩ giữa ca là 9 tiếng nhưng theo tôi được biết nếu làm việc 6h hay 8h thì sẽ được nghỉ 30 phút tính vào thời gian làm việc theo luật lao động đúng hay sai?
2. Doanh nghiệp trừ lương 50.000 đồng cho 1 lần đi trễ, là đúng hay sai?
3. Doanh nghiệp tuyên bố chỉ trả lương đúng bảng lương ban đầu khi tôi ra về nhưng chỉ có nhân viên công ty nghe chứ tôi không nghe, rồi cử một người ra nói tôi nhận lương hay không chứ cũng không nói là tính lương đúng theo thỏa thuận ban đầu và pháp luật hay không? Tôi trả lời là không nhận nếu không tính đúng theo thỏa thuận và tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Hồi chiều này khi tôi rời khỏi công ty, có nghe nhân viên nói là công ty đang hoàn chỉnh lại hồ sơ để phòng khi có cơ quan lao đông xuống kiểm tra, Toàn thể nhân viên đã đồng ý sẽ không ký bất cứ hợp đồng thử việc nào khi đã làm được 1 tháng để đối phó, cũng như sẵn sàng đứng ra để chứng minh tôi đã làm việc cũng như xin nghĩ đúng thời gian quy định.Trường hợp này tôi phải làm sao để bảo vệ người lao động và bảo vệ cho quyền lợi cho tôi, để công ty chấn chỉnh cũng như tạo điều kiện cho người lao động tốt hơn và đúng quy định. Tôi là Đảng viên.
Chân thành cám ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
1. Công ty làm việc 1 ngày 8 tiếng nghĩ giữa ca là 9 tiếng nhưng theo tôi được biết nếu làm việc 6h hay 8h thì sẽ được nghỉ 30 phút tính vào thời gian làm việc theo luật lao động đúng hay sai? Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì:
Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.”
Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc
“1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Theo quy định này thì người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc trong tuần, nhưng không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần và được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Doanh nghiệp trừ lương 50.000 đồng cho 1 lần đi trễ, là đúng hay sai?
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật lao động không đưa ra các vấn đề về phạt người lao động, tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về vấn đề phạt thì cần phải ghi rõ trong nội quy lao động và niêm yết tại bảng thông báo của công ty để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
3. Vấn đề tiền lương
- Về vấn đề hợp đồng lao động thì theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì:
Điều 31. Vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng
“2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:
a) Không ký hợp đồng với người lao động theo quy định;
b) Không ghi rõ các quyền và nghĩa vụ về tài chính trong hợp đồng ký với người lao động theo quy định;
c) Không thanh lý hoặc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định;
d) Nội dung hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập không phù hợp với Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký;
đ) Nội dung hợp đồng giữa doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, tổ chức đầu tư ra nước ngoài ký với người lao động, Hợp đồng lao động không phù hợp với báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.”
Với hành vi không giao kết hợp đồng lao động, không làm theo đúng thỏa thuận cũng như đảm bảo nghĩa vụ tài chính trong trường hợp của bạn cũng như toàn thể lao động trong công ty của bạn thì doanh nghiệp có thể sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
- Trả lương không đúng theo quy định của luật hoặc trình độ nghề nghiệp, theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
8. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 9 như sau:
“4. Phạt tiền doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi: Trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; trả lương và các chế độ khác cho người lao động thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên thuê lại lao động; thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Theo đó, công ty của bạn có khá nhiều lao động bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích trực tiếp. Bạn cùng những người lao động nên kiến nghị lên phía công đoàn công ty, gửi đơn lên phía phòng lao động thương binh xã hội quản lý để yêu cầu xem xét. Đồng thời, nếu không được giải quyết triệt để thì bạn có thể gửi ra tòa án để được thụ lý giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.