Đơn phương chấm dứt lao động không xác định thời hạn.
13/05/2017 23:43
Trần B là kĩ sư điện, làm việc tại công ty M đóng trên địa bàn tỉnh BD. Trước khi ký hợp đồng lao động, hai bên thỏa thuận thử việc trong thời gian là 90 ngày, từ ngày 1/9/2013 đến 30/11/2013. Hết thời gian thử việc, mặc dù công ty M không ký hợp đồng lao động chính thức nhưng B vẫn đi làm và được giao công việc bình thường. Do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tháng 5/2014 công ty M sáp nhập với công ty X. Sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, công ty X tiến hành sắp xếp lại nhân sự. Khi rà soát các hợp đồng lao động, công ty X phát hiện B không ký hợp đồng lao động nên ngày 5/6/2014 công ty X triệu tập B đến và thông báo nghỉ việc từ ngày 6/6/2014.
1. Hợp đồng thử việc giữa Trần B và công ty M có hợp pháp không? Tại sao?
2. Việc chấm dứt của công ty X đối với Trần B đúng hay sai? Tại sao?
3. Trần B có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt HĐLĐ của công ty với mình không? Vì sao?
4. Theo quy định hiện hành, quyền lợi của ông B đuợc giải quyết như thế nào?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
1. Hợp đồng thử việc giữa Trần B và công ty M có hợp pháp không? Tại sao?
+ Hợp đồng thử việc là Sai với quy định của pháp luật về thời hạn
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012
“Điều 27. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”
Xét thấy, công việc của B là kỹ sư điện thì thời gian thử việc tối đa chỉ được phép áp dụng là 60 ngày, nếu vượt quá thời hạn này là vi phạm và công ty M sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ – CP.
2. Việc chấm dứt của công ty X đối với Trần B đúng hay sai? Tại sao?
Theo Nghị định 05/2015/NĐ – CP:
“Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử
1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.”
Sau khi hết thời hạn thử việc, công ty M phải có trách nhiệm thông báo và ký hợp đồng mới với B nếu như B thử việc đạt kết quả. Tuy nhiên, bên công ty M không thực hiện thông báo, không ký kết mà B lại làm việc từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2014 thì công ty M vẫn không có thông báo gì. Công ty M vẫn giao việc cho B, B vẫn hoàn thành thì thực tế vẫn tồn tại một hợp đồng là hợp đồng bằng hành vi. Mặc dù pháp luật lao động không đưa ra loại hợp đồng lao động bằng hành vi nhưng ở đây vẫn tồn tại một quan hệ lao động và B vẫn đang lao động hợp pháp.
Giả thiết: công việc của B là thợ điện thì sẽ không thuộc hợp đồng thời vụ hay hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng vì công việc của B mang tính chất ổn định lâu dài. Theo đó hợp đồng của B có thể là hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Theo đó nếu bên công ty M chấm dứt với bên B thì phải đảm bảo thực hiện đúng theo Điều 38 Bộ luật lao động 2012.
3. Trần B có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt HĐLĐ của công ty với mình không? Vì sao?
Nếu xác định được hành vi của công ty M là hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì B hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo Điều 200 Bộ luật lao động 2012 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011.;
Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
“1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân.”
4. Theo quy định hiện hành, quyền lợi của ông B đuợc giải quyết như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 ông B sẽ được hưởng quyền lợi nếu như yêu cầu giải quyết và chứng minh công ty M chấm dứt hợp đồng trái luật như sau:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.