Đền bù chi phí đào tạo
28/03/2017 08:59Tôi hiện đang làm việc trong 1 cơ quan của Nhà nước, cách đây 1 năm, tôi vừa hoàn thành xong chương trình học ở nước ngoài được cơ quan nhà nước cử đi học. Lúc đi học, tôi có cam kết với cơ quan mình làm rằng sau khi hoàn thành chương trình học, tôi sẽ về làm việc tại cơ quan ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, nay mới về làm được hơn 1 năm, do một số lý do, tôi muốn xin nghỉ việc ở cơ quan để ra ngoài làm. Vậy tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp nếu đơn phương nghỉ việc tôi có phải đề bù chi phí đào tạo không và nếu có thì sẽ được tính như thế nào? Và liệu khi nộp đơn cơ quan có quyền nói chưa có ai thay để bàn giao nên không cho tôi nghỉ có đúng không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Với trường hợp mà bạn đang vướng mắc, Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Thứ nhất, về câu hỏi có phải đền bù chi phí đào tạo không?
Theo Khoàn 3 Điều 35 Luật viên chức năm 2010 quy định về trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng thì viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, căn cứ theo điểm c, khoản 4, Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong trường hợp viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, xét với trường hợp của bạn, nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cơ quan nhà nước khi chưa phụ vụ đủ thời gia đã cam kết là 3 năm thì bạn sẽ phải đền bù chi phí đào tạo.
Thứ hai, về cách tính đền bù chi phí đào tạo.
Vì trường hợp của bạn thuộc điểm c, khoản 4, Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP nên cách tính đền bù chi phí đào tạo của bạn sẽ được tính theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17 của Thông tư 15/2012/TT-BNV cụ thể như sau:
S = (F / T1) x (T1 - T2)
Trong đó:
- S là chi phí đền bù;
- F là tổng chi phí của khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, để tính được phi phí đền bù bạn cần căn cứ vào quy định trên để tính.
Thứ ba, về câu hỏi cơ quan có quyền nói chưa có ai thay để bàn giao nên không cho bạn nghỉ hay không?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;
+ Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.
Do đó, nếu theo yêu cầu công tác, cơ quan chưa bố trí được người thay thế thì bạn sẽ chưa được giải quyết thôi việc.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.