Công ty giữ văn bằng của người lao động gốc là đúng hay sai ?
13/05/2017 09:45
Hiện nay, tôi có một số thắc mắc xin được tham khảo ý kiến về vụ việc này như sau : Một, nếu đã thành lập thành một công ty và đã tồn tại nhiều năm nay thì không thể nào mà công ty không biết về luật thoả thuận lao động là không được quyền giữ lại văn bằng gốc như vậy là vi phạm vào điều 20 bộ luật lao động 2012.
Vậy công ty có những thủ thuật hay những lí do gì để không giải quyết trao trả lại Văn bằng cho tôi hay không? Hai là trong biên nhận giao nhận văn bằng gốc, do công ty soạn có ghi là tôi tự nguyện nộp Văn bằng gốc bằng tốt nghiệp cao đẳng cho công ty lưu giữ khi nhận việc tại công ty. Ba là nếu tôi không tiếp tục làm việc, không thực hiện đúng hợp đồng thử việc là vi phạm qui định của công ty nên công ty không giải quyết bất cứ lí do gì cho tôi nữa. Mặc dù công ty đang vi phạm giữ Văn bằng gốc của tôi tại điều 20 Bộ Luật Lao Động 2012 nhưng với ba điều khoản tôi vừa trình bày trên, liệu tôi có đang ở thế bị động và đuối lý trong hợp đồng và biên nhận này hay không?
Tôi xin gởi kèm thêm hình ảnh tôi ghi nhận được đến Quý Luật Sư, tôi kính mong Quý Luật Sư dành chút thời gian tư vấn cho tôi, tôi có đủ lý để yêu cầu công ty trao trả Văn Bằng Gốc cho tôi không? Và tôi cần phải làm gì để tôi được nhận lại Văn bằng gốc của mình. Tôi khởi kiện công ty được không?
Kính mong Quý Luật Sư cho tôi ý kiến. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục. Vấn đề của bạn được chúng tôi xem xét và trả lời như sau:
Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
"1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."
Theo đó, thì việc công ty giữ bằng của bạn là vi phạm pháp luật. Khi chấm dứt hợp đồng lao động Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012:
"2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động."
Như vậy, nếu bạn không tiếp tục làm việc, không thực hiện đúng hợp đồng thử việc thì bạn vẫn có quyền được trả lại giấy tờ theo quy định trên, nếu công ty không trả, để đòi lại quyền lợi của mình bạn có thể thực hiện các thủ thục theo Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012. Trước tiên bạn gửi đơn yêu cầu công ty thực hiện các nghĩa vụ đối với bạn khi chấm dứt hợp đồng, nếu công ty không thực hiện thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.