Công chức bị tạm giam thì tiền lương giải quyết như thế nào?
14/05/2017 21:59Xin chào! Bố tôi là công chức nhà nước cấp xã đã công tác và đóng bảo hiểm đầy đủ được 20 năm. Hiện nay bố tôi đang trong thời gian bị công an bắt tạm giam để phục vụ điều tra chưa đưa ra xét xử. Tuy nhiên ubnd xã đã cắt lương của bố tôi. Tôi xin được tư vấn về chính sách tiền lương và chính sách thanh toán bảo hiểm như thế nào trong trường hợp này. Nếu như có sai phạm thì nên khiếu nại ở đâu, Cơ quan nào,cấp nào có trách nhiệm giải quyết và nên căn cứ vào Luật nào. Xin Luật sư tư vấn giúp ?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
* Chế độ tiền lương:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 24 Nghị định 34/2011/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với công chức đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam và tạm đình chỉ công tác: "1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)
2. Trường hợp công chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
3. Trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam".
Theo đó, trong trường hợp của bố bạn, bác là công chức cấp xã và đang trong thời gian bị công an bắt tạm giam để phục vụ điều tra nhưng chưa đưa ra xét xử thì bố bạn sẽ được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện tại bác đang hưởng cùng với các khoản phụ cấp khác nếu có theo như quy định trên. Do đó, việc Ủy ban nhân dân xã cắt lương của bố bạn là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Và bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại đối với việc Ủy ban nhân dân xã cắt lương của bố bạn.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Luật Khiếu nại 2011:
"Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính".
Theo đó, bạn có thể khiếu nại đối với việc cắt lương của bố bạn với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người ra quyết định đó, hoặc bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân. Trong trường hợp bạn khiếu kiện vụ án hành chính thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 Luật Tố tụng hành chính 2010:
"Điều 29. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó".
* Chế độ bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: "2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này".
Theo đó, bố bạn đang trong thời gian bị tạm gian nên bố bạn và cơ quan bố bạn làm việc sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu như về sau, bố bạn được cơ quan có thẩm quyền xác định là bị oan sai thì khi đó sẽ thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam và số tiền đóng bù này không bị tính lãi chậm đóng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.