Có thể khởi kiện công ty khi vi phạm quy định về thử việc không ?
13/05/2017 10:24
Em đang gặp một số khó khăn trong công việc liên quan đến tranh chấp lao động, em mong nhận được sự hỗ trợ của luật sư. Em chân thành cảm ơn. Nội dung: Em sinh năm 1993 tốt nghiệp CĐ, tháng 12/2015 có có xin vào làm việc trong một công ty chuyên về dịch vụ ăn uống, trong thư mời nhận việc thì chức vụ của em là nhân viên hành chính nhân sự.
Công việc cụ thể của em là nhân viên tuyển dụng, mức lương thử việc là 4 triệu thử việc trong vòng 60 ngày, hết thời gian thử việc mức lương sẽ được thỏa thuận theo năng lực. Theo như thỏa thuận thì đến ngày 8/2/2016 là em hết thời gian thử việc, do thời gian đó là nghỉ tết nên em chưa được đánh giá để ký HĐLĐ. Sau thời gian nghỉ tết khoảng đầu tháng 3 thì em có làm một báo cáo thử việc gửi cho trưởng phòng nhân sự. Kết quả là trưởng phòng nhân sự đánh giá em không đạt yêu cầu trong mảng tuyển dụng do lúc đó bộ phận C&B đang thiếu nhân sự nên em được điều chuyển qua bộ phận C&B làm việc và thử thách trong vòng 2 tháng kể từ ngày 12/3/2016. Cho đến đầu tháng 7 em vẫn làm việc ở bộ phận C&B do làm việc quá lâu mà em chưa được ký HĐLĐ và không được tăng lương nên các chị đồng nghiệp có hướng dẫn em làm thêm 1 báo cáo thử việc nữa. Ngày 2/7/2016 em tiếp tục làm báo cáo thử việc, kết quả đánh giá là em không đạt yêu cầu ở bộ phận C&B và công ty chấm dứt thời gian thử việc với em, trong khi đó trong thời gian làm việc em không bị vi phạm kỷ luật gì. Trong công việc có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ công việc, chỉ có điều em không được thuận với team leader hay cãi nhau với sếp, do đó em không đồng ý với đánh giá trên của P. NS. Sau đó P. NS mới thay đổi ý kiến đánh giá em năng lực còn yếu trong tương lai không thể tiếp tục đảm nhận công việc, nên quyết định chấm dứt HĐLĐ với em trước thời hạn và bồi thường cho em 1 tháng tiền lương, em không đồng ý thì P.NS vẫn kiên quyết chấm dứt HĐLĐ với em trước thời hạn và báo trước cho em 30 ngày làm việc kể từ ngày 2/7/2016. Tất cả nội dung trên điều được lập thành biên bản. Luật sư cho em hỏi trường hợp trên là công ty có đang sa thải người lao động trái pháp luật không và sau này em được phép kiện công ty hay không?
Mong nhận được phản hồi từ phía luật sư.
Em chân thành cảm ơn!
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Bảo Chính. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:
Điều 27 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:
"Điều 27. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác."
"Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận."
Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
"Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử
1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động,người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động."
Theo quy định của pháp luật thì thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Luật lao động không thừa nhận việc gia hạn thêm thời gian thử việc trong trường hợp thử việc không đạt yêu cầu, cho dù hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều đồng ý.
Như vậy, đối với 1 công việc chỉ được thử việc 1 lần. Sau khi bạn kết thúc đợt thử việc 2 tháng, lúc này công ty sẽ giao kết hợp đồng với bạn khi nếu bạn đạt yêu cầu và có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc bất cứ lúc nào. Trường hợp bạn thử việc không đạt yêu cầu thì trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc 2 tháng, công ty sẽ thông báo bạn không đạt yêu cầu thử việc và bạn sẽ không tiếp tục thử việc nữa. Việc công ty quy định thời gian thử việc đối với vị trí công việc thứ hai của bạn là từ ngày 12/3/2016 đến ngày 2/7/2016, là đã gần 4 tháng( quá thời hạn 2 tháng theo quy định). Như vậy trong trường hợp này công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về thời gian thử việc. Và công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định về thử việc như sau:
“5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng laođộng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người laođộng làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;
b) Không thông báo kết quả công việcngười lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việcquá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trongthời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việcđó;
d) Kết thúc thời gian thử việc, ngườilao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồnglao động với người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1,Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này.”
Như vậy trường hợp của bạn, do công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về thời gian thử việc. Theo đó, công ty này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 với mức phạt là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho bạn.
Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
"Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
Như vậy, trong trường hợp bạn cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị công ty xâm phạm. Thì bạn có quyền khởi kiện công ty đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bạn làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính của công ty để yêu cầu giải quyết.
Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
"Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
3. Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:
a) Tranh chấp về học nghề, tập nghề;
b) Tranh chấp về cho thuê lại lao động;
c) Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;
d) Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
5. Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật."
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.