Có phải ký kết lại hợp đồng lao động khi điều chuyển công tác.
13/05/2017 09:56
Hiện tại em có một số khúc mắc mong được Luật sư tư vấn. Giám đốc công ty em có 2 công ty: Công ty Mê Trần và Công ty Việt Nhật. Em đang làm ở Công ty Mê Trần. Hôm qua em và một số nhân viên khác được Quyết định chuyển qua Công ty Việt Nhật nhưng phía Công ty Việt nhật yêu cầu em làm lại hồ sơ xin việc và sẽ ký hợp đồng lại vào ngày 1/1/2016.
Em thắc mắc một số vấn đề là theo quy định của pháp luật em có cần làm lại hồ sơ và ký lại hợp đồng không? Và nếu ký lại hợp đồng thì tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp của em sẽ tính lại từ 1/1/2016 hay là vẫn giữ thời gian bên Công ty Mê Trần. Ngoài ra thường lệ Công ty bên em tăng lương vào tháng 1 như vậy khi Công ty lấy lý do em mới ký lại hợp đồng mà không tăng lương thì có sai gì không? Em có được khiếu nại không? Xin cảm ơn Luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18, Bộ luật Lao động 2012 thì trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Chính vì vậy, khi bạn nhận được Quyết định chuyển công tác từ phía Công ty Mê Trần sang Công ty Việt Nhật bạn phải thực hiện việc ký kết lại hợp đồng lao động bởi lẽ vào thời điểm này người sử dụng lao động là Công ty Việt Nhật mà không phải là Công ty Mê Trần. Bởi lẽ, các công ty đều có tư cách pháp nhân và trong quan hệ lao động thì công ty là một bên chủ thể của quan hệ lao động vì vậy, khi bạn làm việc tại Công ty Mê Trần thì thiết lập quan hệ lao động giữa Công ty Mê Trần với bạn, còn khi bạn làm việc ở Công ty Việt Nhật thì đương nhiên quan hệ lao động ở đây bao gồm bên sử dụng lao động là Công ty Việt Nhật còn bên người lao động là bạn nên bắt buộc bạn phải ký kết hợp đồng lao động.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội thì theo quy định tại khoản 5 Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, quãng thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm hiểm thất nghiệp nói riêng bên Công ty Mê Trần thì bạn sẽ được bảo lưu và thời gian bạn tham gia bảo hiểm xã hội tại Công ty Việt Nhật sẽ được tính tiếp vào khoảng thời gian bạn đã tham gia ở bên Công ty Mê Trần.
Theo đó, khi bạn xin thôi việc tại Công ty Việt Nhật thì khi bạn đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 81, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 tức là bạn đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp và đã đăng ký với cơ quan bảo hiểm cũng như không tìm được việc làm mới trong khoảng thời gian 15 ngày kể từ ngày bạn đăng ký thất nghiệp.
Còn về vấn đề tăng lương định kỳ thì ở mỗi một công ty sẽ có một cơ chế hoạt động riêng biệt và việc chi trả các khoản tiền lương này sẽ được tiến hành dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên theo nọi dung được ghi nhận tại Điều 15, Bộ luật Lao động 2012.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.