Có phải đền tiền do quản lý không chặt và bị cá nhân khác biển thủ công quỹ ?
13/05/2017 09:49
Chào luật sư!
Em là nhân viên nhưng được giao nhiệm vụ quản lý một số nhân viên giao hàng, do sơ suất trong khâu quản lý dẫn đến có một nhân viên biển thủ tiền hàng số tiền là 100 triệu. Giờ nhân viên giao hàng đó đã bỏ trốn.Trong cuộc họp em đã nhận trách nhiệm là do em quản lý không chặt, nhưng sếp em bắt em và tổ trưởng, tổ phó phải đền số tiền đó.
Em nhờ Luật sư tư vấn hộ em xem có bị đền số tiền đó không ạ?
Em cảm ơn ạ!.
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Bảo Chính. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Căn cứ quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động:
" Điều 32. Bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 của Bộ luật Lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.
2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường phải hợp sau:
a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
3. Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng tráchnhiệm.
4. Trường hợp thiệt hại do thiên tai,hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
5. Trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại được áp dụng theo trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động".
Như vậy, trường hợp của bạn thuộc quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP đó là: làm mất tài sản của người sử dụng lao động giao cho bạn quản lý do sơ suất trong khâu quản lý của mình. Tài sản ở đây là tiền theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, bạn phải bồi thường thiệt hại một phần cùng với những người có liên quan.
Đối với người biển thủ tiền hàng số tiền là 100 triệu đã bỏ trốn bạn có thể gửi đơn kiện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.