Có bộ phận y tế có cần phải thành lập đội sơ cấp cứu
11/09/2017 15:58
Có bộ phận y tế có cần phải thành lập đội sơ cấp cứu? Công ty tôi có 890 lao động đã bố trí phòng y tế có 2 nhân viên trình độ cao đẳng, trung cấp, đi ca ngày ca đêm, bên cạnh đó công ty chúng tôi cũng có ký hợp đồng với trung tâm y tế dự phòng để đảm bảo việc xử lý sự cố liên quan đến sức khỏe cho người lao động,
Như vậy về luật chúng tôi đã đáp ứng được đầy đủ, vậy chúng tôi có cần thành lập đội sơ cấp cứu và cấp giấy chứng nhận nữa không?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội sẽ tư vấn cho bạn đối với vấn đề bạn đang thắc mắc như sau:
Căn cứ Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy định vể tổ chức bộ phận y tế thì Việc tổ chức bộ phận y tế quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
“1. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 500 người lao động ít nhất phải có 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động ít nhất phải có 01 y sỹ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 1.000 người lao động phải có 01 bác sỹ và 1 người làm công tác y tế khác.
3. Người làm công tác y tế ở cơ sở quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có trình độ chuyên môn y tế bao gồm: bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, cử nhân Điều dưỡng, y sỹ, Điều dưỡng trung học, hộ sinh viên;
b) Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
4. Người sử dụng lao động phải thông báo thông tin của người làm công tác y tế cơ sở theo mẫu tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.
5. Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:
a) Ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định sau đây: cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60 phút đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
b) Thông báo thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên theo mẫu tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.”
Như vậy, Doanh nghiệp có số lao động lớn 830 người như của doanh nghiệp bạn thì phải tổ chức Bộ phận y tế và bộ phận này sẽ có trách nhiệm khám chữa bệnh thông thường, quản lý sức khỏe của người lao động tại đơn vị và sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động. Căn cứ vào ngành nghề hoạt động để đưa ra số lượng người tham gia vào bộ phận y tế của doanh nghiệp bạn và đề nghị xin cấp giấy chứng nhận bộ phận này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Nếu doanh nghiệp bạn đã bố trí đủ số nhân viên y tế, phù hợp theo nghành nghề kinh doanh theo quy định trên và cũng có ký hợp đồng với trung tâm y tế dự phòng để đảm bảo việc xử lý sự cố liên quan đến sức khỏe cho người lao động, như vậy về tổ chức bộ phận y tế cho người lao động đã tuân thủ pháp luật. Nhưng doanh nghiệp bạn vẫn phải thành lập đội sơ cấp cứu. Do đội sơ cấp cứu này được đào tạo hướng dẫn từ người lao động, xử lý các tình huống trực tiếp xảy ra tại chỗ trong quá trình lao động, khi chưa có sự có mặt của Bộ phận y tế.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Có bộ phận y tế có cần phải thành lập đội sơ cấp cứu không”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục đặt câu hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.