Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thôi việc và thời gian bổ nhiệm ?
13/05/2017 09:47
Tôi có 1 thắc mắc trân trọng đề nghị quý công ty giải đáp giúp.
Câu hỏi 1: Trường hợp cụ thể có quá trình đóng bảo hiểm như sau:
1. Từ tháng 10/1995 đến tháng 10/1997: Học viên Trường trung học an ninh nhân dân.
2. Từ tháng 11/1997 đến tháng 8/2007: Cán bộ Công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
3. Từ tháng 9/2007 đến tháng 3/2016: Viên chức Thư viện tỉnh Lạng Sơn. Vậy thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc mà Thư viện phải chi trả tính từ tháng 10/1995 đến hết ngày 31/12/2008 hay từ tháng 9/2007 đến hết ngày 31/12/2008? Câu hỏi 2: Trường hợp đổi tên đơn vị thì bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo của đơn vị thời gian bổ nhiệm tính như thế nào? ví dụ: Ông Nguyễn Văn A, Giám đốc Trung tâm A thời hạn bổ nhiệm 5 năm từ 01/ 01/2013, do đổi tên thành Trung tâm AB thì việc bổ nhiệm lại ông A giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm AB có hiệu lực từ 1/7/2016 thì thời hạn bổ nhiệm 5 năm tính từ 01/01/2013 hay tính từ 1/7/2016?
Trân trọng cảm ơn!
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục. Vấn đề của bạn được chúng tôi xem xét và trả lời như sau:
Thứ nhất: Về thời gian tính trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc là loại trợ cấp thông thường mà người sử dụng lao động phải trả khi chấm dứt HĐLĐ với người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho thời gian làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không phải tham gia hoặc không đủ điều kiện tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật VN. Như vậy, do bạn làm việc tại Thư viện tỉnh Lạng Sơn từ tháng 9/2007 nên thời gian tính hưởng trợ cấp sẽ từ tháng 9 năm 2007 đến tháng 3 năm 2016.
Về mức hưởng của chế độ thôi việc: Theo Điều 45 Luật viên chức năm 2010 quy định về chế độ thôi việc như sau:
"Điều 45. Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này."
Đồng thời, căn cứ theo Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP:
"Điều 39. Trợ cấp thôi việc
1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;
c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
3. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và được xác nhận thời gian có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật."
Do đó, vì bạn tháng 9 năm 2007 bạn mới làm việc ở Thư viện tỉnh Lạng Sơn nên theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp dựa trên khoảng thời gian được tính hưởng trợ cấp là từ tháng 9 năm 2007 đến tháng 3 năm 2016.
Thứ hai: Về việc bổ nhiệm lại giám đốc.
Theo khoản 3 Điều 2 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg quy định:
"Bổ nhiệm lại là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo tiếp tục giữ chức vụ đang đảm nhiệm khi hết thời hạn bổ nhiệm."
Như vậy, sau khi trung tâm A đổi tên thành AB thì ra quyết định bổ nhiệm lại ông A giữ chức giám đốc, với quyết định đó thì thời hạn bổ nhiệm lại là 5 năm được tính từ 1/7/2016.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.