Xử phạt hành vi đánh đập vợ như nào?
22/06/2017 10:51
Xử phạt hành vi đánh đập vợ. Em gái tôi lấy chồng về ban đầu rất hạnh phúc sau vì áp lực cuộc sống em rể tôi ngày càng khó tính và thường xuyên đánh đập, mắng mỏ vợ. Trường hợp này em rể tôi sẽ bị xử phạt thế nào?
(tranvantam56@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp em gái mình thường xuyên bị chồng đánh đập, mắng mỏ vậy căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về các hành vi bạo lực thì:
"1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;”
Như vậy hành vi này của em rể bạn đó chính là một hành vi bạo lực gia đình và em gái bạn chính là nạn nhân của nó.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình về các quyền và nghĩa vụ của nạn nhân trong bạo lực gia đình thì:
"a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”
Như vậy để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì người vợ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
"1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.
Ngoài ra hành vi bạo lực của em rể bạn lúc này có thể bị xử phạt về hành chính theo quy định tại Mục 4 Nghị định Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng và chống bạo lực gia đình thì có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy theo các hành vi được quy định cụ thể trong mục này và cùng với đó là công khai xin lỗi nạn nhân khi nạn nhân có yêu cầu.
Trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104); tội hành hạ người khác (Điều 110);… Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Xử phạt hành vi đánh đập vợ”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!