Vợ không làm giấy khai sinh cho con?
17/03/2017 09:45Tôi và vợ tôi ly hôn được 5 tháng, lúc đó cô ấy đang mang thai. Lúc ra tòa lần sau cùng, cô ấy xác nhận là con chung của 2 người và sẽ làm khai sinh cho con, đứng tên tôi trong đó.Hiện giờ cô ấy đã sinh xong hơn 1 tháng, do mâu thuẩn nên nhà cô ấy cấm tôi qua thăm con, mỗi lần tôi qua là đứng ở ngoài đường, thậm chi là bà con, chú bác tôi qua mà cũng không cho vào thăm.Do tò mò về tên của con mình, tôi có ra Phường, nơi cô ấy ở, hỏi là cô này đã làm khai sinh cho con chưa. Cán bộ Phường trả lời là " tôi biết cô này, cô ấy chưa làm giấy khai sinh"Luật sư cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật trong vòng 2 tháng từ khi sinh con, phải làm giấy khai sinh cho đứa bé. Nếu vợ tôi vẫn không làm giấy khai sinh, thì tôi có quyền kiện không ?Hoặc trong trường hợp tôi đã đăng ký khai sinh, nhưng cán bộ Phường không muốn nói cho tôi biết, vì cán bộ này quen biết với gia đình vợ của tôi, thì tôi phải làm sao ? Mong nhận được hồi âm của luật sư.Xin chân thành cám ơn.Trân trọng và chúc sức khỏe.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất,theo quy định điều 15 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:
Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Theo quy định tại điều 27 nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.Trong trường hợp bố mẹ đăng ký khai sinh cho co muộn thì bị xử phạt như sau;
Điều 27.Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
Cũng theo quy định tại điều 28, điều 29 bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những trường hợp tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.Cụ thể:
Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
3. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
6. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
7. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
8. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
9. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
11. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp của bạn không thuộc một trong các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015 nên bạn không có quyền khởi kiện vợ cũ trong trường hợp này.Trong trường hợp vợ cũ của bạn khai sinh cho con muộn thì theo như quy định của luật quốc tịch thì công chức tư pháp-quốc tịch có nghĩa vụ thường xuyên kiểm tra,đôn đốc việc đăng ký khai sinh trong khu vực và vợ bạn có thể bị cảnh cáo hoặc sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi khai sinh muộn cho con.
Thứ hai, trường hợp cán bộ phường có thể che dấu về việc vợ bạn đã đăng ký khai sinh cho con thì pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên,theo quy định tại điều 88 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 88. Xác định cha,mẹ con
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Trong trường hợp này dù vợ bạn đã đăng ký giấy khai sinh cho con hay chưa thì theo quy định của pháp luật cơ quan tư pháp vẫn phải ghi tên của bạn là cha của đứa bé trong giấy khai sinh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.