Về việc yêu cầu chồng trả tiền cấp dưỡng
28/03/2017 11:11Tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Chồng cũ tôi không trợ cấp nuôi con gần 2 năm nay, vừa rồi Thi hành án huyện có ra quyết định và xuống tận cơ quan chồng cũ của tôi và yêu cầu chồng cũ tôi ký một số thủ tục (Tôi cũng không rõ là thủ tục gì) nhưng nó liên quan đến đòi quyền cấp dưỡng cho con của tôi. Chồng cũ tôi không ký.Vậy tôi muốn hỏi Luật sư: Tôi có khả năng đòi được cấp dưỡng Nuôi con trong 2 năm qua tính từ ngày Tòa án huyện ra quyết định ly hôn nhưng chồng tôi không thực hiện hay không? (Nguyễn Hà - Hà Nội)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
"Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này".
Khoản 2 Điều 82 cũng quy định rõ "Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con".
Như vậy, chồng cũ của bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng (đóng góp tiền hoặc tài sản khác) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bạn và con bạn. Bên cạnh đó, Điều 83 cũng chỉ ra rằng "Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này", bạn có quyền yêu cầu chồng cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà chồng cũ của bạn đã không thực hiện suốt 2 năm qua.
Chồng cũ của bạn không cấp dưỡng cho con suốt 2 năm qua như vậy bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc chồng cũ thực hiện nghĩa vụ của mình. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều Khoản 2 Điều 107 và Điều 119 của Luật Hôn nhân gia đình.
Khoản 2 Điều 107 quy định như sau: "Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này."
"Điều 119 quy định:
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó".
Như vậy, dù chồng bạn đã trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong vòng 2 năm thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án buộc chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.
Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được tư vấn, hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!
Trân trọng.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trong trường hợp quý khách muốn mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.