Về chia tài sản chung khi ly hôn
30/03/2017 11:32Tình hình là gia đình nảy sinh mâu thuẫn từ 06/2015 đến nay không hoà giải được nên dẫn đến ly hôn. 22/03 này thì ra Toà giải quyết. Tôi có 2 đứa con sinh đôi được 16 tháng tuổi vợ tôi không muốn nuôi con và đưa cho tôi nuôi vợ tôi nói là mỗi tháng chu cấp 1.500.000đ.Đầu năm 2015 có mua 1 chiếc xe Airblade và đưa cho vợ tôi đứng tên. Từ tháng 01/2016 đã ra ngoài ở riêng đến giờ và có mượn của tôi 4.000.000đ và vừa rồi 15/03, tôi có đứng ra mua cho vợ tôi chiếc điện thoại trị giá 7.490.000đ trả góp trong 12 tháng. Tôi muốn hỏi nếu ra toà chiếc xe máy và điện thoại có được gọi là tài sản chung và chia đôi không? Còn số nợ thì sao. Còn phần tài sản khi kết hôn mà gia đình tôi cho thì tính như thế nào. Về phần con, vợ tôi không đồng ý mỗi bên nuôi 1 đứa. Mà bắt buộc tôi phải nuôi hết. Còn vợ tôi chỉ chu cấp và qua lại thăm nom. Vợ tôi nhà dưới quê giờ hiện đang ở nhà trọ. Hiện tại 2 đứa con đang ở với tôi vì hoàn cảnh 2 bên không bên nào có thể nuôi được 2 đứa. Nếu không giải quyết được tôi có thể làm đơn xin gia đình thay thế không? (Nguyễn Hùng - Hà Nội)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về việc chia tài sản:
Với tài sản vợ chồng bạn được gia đình cho khi kết hôn, bạn phải căn cứ vào thời điểm đăng ký kết hôn, nếu gia đình bạn cho tài sản trước thời điểm bạn đăng ký kết hôn thì tài sản đó được coi là tài sản riêng của vợ (chồng), hoặc trong trường hợp gia đình ban cho sau khi bạn đăng ký kết hôn nhưng dưới hình thức tặng cho riêng theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
"Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng:
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này".
Tài sản này nếu không có thỏa thuận thì khi ly hôn và trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng bạn không có thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa tài sản riêng này nhập vào tài sản chung thì Tòa án không chia tài sản này.
Trong trường hợp tài sản của gia đình bạn cho sau thời kỳ hôn nhân và không có văn bản tặng cho riêng tài sản thì sẽ được coi là tài sản chung giống như các tài sản hình thành trong thời ký hôn nhân như xe máy và điện thoại di động. Trong trường hợp này, nếu hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được tài sản chung sẽ được chia đôi theo nguyên tắc tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình".
Đối với khoản nợ 4.000.000 đồng, nếu bạn chứng minh được nguồn gốc của khoản tiền này từ tài sản riêng của bạn, không hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì vợ bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu khoản tiền này xuất phát từ thu nhập của bạn trong thời ký hôn nhân hoặc từ lợi nhuận của việc kinh doanh của hai vợ chồng trong thời ký hôn nhân thì vợ bạn không có nghĩa vụ trả nợ.
Thứ hai, về quyền nuôi con:
Theo Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
...
2. Vợ, chồng thỏa thuận về: người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Theo quy định này, sau khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, tuy nhiên, với trường hợp của bạn hiện nay, bạn có 2 con sinh đôi dưới 36 tháng tuổi, Tòa án sẽ xem xét tình trạng của hai bên cha mẹ để quyết định việc giao con cho ai nuôi dưỡng. Với điều kiện hiện tại, tốt nhất, hai vợ chồng bạn nên tự thỏa thuận về quyền nuôi con, việc bạn tự thỏa thuận cũng là cơ sở để Tòa xem xét.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 1900 6821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.