Tư vấn về việc ly hôn với người mất tích và làm lại giấy khai sinh cho con?
22/06/2017 14:25
Tư vấn về việc ly hôn với người mất tích và làm lại giấy khai sinh cho con .Tôi và chồng của tôi bây giờ chưa đăng kí kết hôn vì vợ anh ấy bỏ đi mấy năm nay không có tin tức gì. Vậy luật sư cho tôi hỏi thủ tục để chồng tôi ly hôn với vợ của anh ấy như thế nào trước khi đi chị ấy đã kí vào đơn ly hôn nhưng tòa không đồng ý vì chị ấy khác tỉnh và chưa nhập hộ khẩu nhà chồng. Còn về giấy khai sinh tôi muốn sau khi chúng tôi đăng ký kết thì có thể làm lại giấy khai sinh cho cháu được không vì tôi không muốn cháu là con ngoài giá thú suốt đời.
Tôi rất cảm ơn luật sư!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề giải quyết việc ly hôn
Nếu anh có đủ căn cứ để chứng minh vợ mất tích theo quy định của bộ luật dân sự 2015 thì anh có thể gửi đơn ly hôn đến Tòa án thì Tòa án sẽ giải quyết cho anh ly hôn.
Theo đó, khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
Nếu chưa đủ căn cứ để anh chứng minh vợ mất tích thì anh có thể gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án nhân dân huyện. Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định "Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không thể đạt được."
Anh và vợ đã không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng, không thực hiện các quyền, nghĩa vụ vợ chồng nên Tòa án sẽ xem xét và cho ly hôn.
Khi vụ án được đưa ra xét xử, người có quyền và nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp người vợ với tư cách là bị đơn không tham gia phiên tòa khi được tòa án triệu tập thì xử lý theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
“- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;’’
Theo quy định nêu trên, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà người vắng mặt tại phiên tòa thì vụ án ly hôn của vợ chồng sẽ được Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người vợ
Sau khi Tòa án tuyên bố vợ chồng anh đã ly hôn thì anh chị có đến đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của anh hoặc chị.
Thứ hai, về việc làm lại giấy khai sinh sau khi kết hôn
Theo Điều 36 Nghị định 123/2014 thì phạm vi thay đổi, cải chỉnh hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch bao gồm:
“1. Thaỵ đổi họ, tên, chữ đêm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng cá nhận có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.
3. Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
4. Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
5. Bổ sung những nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
6. Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.”
Như vậy, việc đổi con ngoài giá thú thành con trong giá thú không nằm trong phạm vi được thay đổi, cải chính hộ tịch.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “ Tư vấn về việc ly hôn với người mất tích và làm lại giấy khai sinh” nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng !