Tư vấn quyền định đoạt tài sản chung, riêng của vợ chồng?
13/02/2017 10:09Ông An và bà Ba đã đăng ký kết hôn với nhau. Trong thời kỳ hôn nhân có phát sinh một số tài sản như ô tô, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, tất cả đều do bà Ba đứng tên. Sau khi phát sinh các tài sản trong thời kỳ hôn nhân, hai bên ly hôn. Nhưng trong quyết định ly hôn của Tòa Án, phần tài sản chung chỉ ghi "Hai bên không có tài sản chung" hoặc "Hai bên xác định không có tài sản chung" hoặc "Về tài sản chung, hai bên xác định đã tự giải quyết xong",... Nay bà Ba muốn bán (sang nhượng/ủy quyền mua bán) tất cả các tài sản trên thì có tự mình ký hợp đồng bán được không? Hay cần phải có cả ông An nữa (mời ông An cùng ký tên đồng ý hoặc yêu cầu ông An làm giấy phân chia tài sản hay giấy ủy quyền cho bà Ba trước khi bà Ba ký hợp đồng bán tài sản).Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn. Về nội dung bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng
"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung".
Điều 35 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung quy định:
"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình".
Áp dụng các quy định trên, nếu các tài sản này được xác định là tài sản chung vợ chồng thì mọi giao dịch liên quan đến các tài sản này đều phải được sự đồng ý của cả hai ông bà. Trường hợp này nếu muốn để bà Ba là người đứng ra làm thủ tục bán thì tùy nhu cầu, hai ông bà có thể lập văn bản thỏa thuận chia tài sản hoặc lập văn bản ủy quyền. Khác biệt giữa hai văn bản này như sau: nếu hai ông bà lập văn bản thỏa thuận chia tài sản, việc phân chia được thực hiện theo thỏa thuận. Sau khi đã phân chia xong, mỗi người toàn quyền sử dụng và định đoạt trong phần mình đã được chia. Nếu hai ông bà lập văn bản ủy quyền, tùy theo nội dung ủy quyền, chẳng hạn ông An ủy quyền cho bà Ba đứng ra thực hiện thủ tục chuyển nhượng tài sản, thì số tiền thu về sau khi bán vẫn được xác định là tài sản chung của hai ông bà và nếu bà Ba là người đã đứng ra nhận tiền của bên mua thì bà Ba có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông An.
Trường hợp các tài sản mà ông bà liệt kê là tài sản riêng của bà Ba (mặc dù hình thành trong thời kỳ hôn nhân) thì bà Ba không cần ý kiến của ông An trong việc định đoạt tài sản.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.