Tư vấn về chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp làm lại giấy đăng ký kết hôn
27/03/2017 16:11Tôi xin hỏi cho một người bạn của tôi, mà tại đây tôi xin phép được giấu tên, đang tìm hiểu cách thức phân chia tài sản sau ly dị để giúp đòi lại quyền lợi cho mẹ của mình. Nói về gia đình của cô ấy: Bố và mẹ của bạn tôi kết hôn vào năm 1990, làm giấy đăng kí tại phường, nhưng vì lý do người làm giấy tại phường quên không lưu sổ, nên giấy đăng ký kết hôn đó không hợp pháp. Hiện giấy đăng ký cũ, bạn tôi vẫn còn giữ. Vào năm 2009, bố mẹ của bạn tôi đã làm lại giấy đăng ký kết hôn mới. Lúc này, hầu hết tài sản hai vợ chồng làm ra tính đến năm 2009, đều đứng tên bố bạn tôi, mẹ bạn ấy chỉ đứng tên hai căn chung cư đang trả góp. Sau đó, vì lý do công tác, nên bố bạn tôi xuất ngoại, rồi có nhân tình bên ngoài. Mẹ bạn ấy đang rất lo lắng, nếu như ly hôn, thì bà sẽ mất đi phần lớn công sức của đời mình. Nhưng tình cảnh trong nhà quả thật rất khó có thể miêu tả cụ thể, rất ngột ngạt. Tôi kính mong công ty Luật Minh Gia, có thể tư vấn phần nào cho bạn tôi, về vấn đề này, để giữ lại tối đa, những thứ thuộc về mẹ bạn ấy. Kính bút.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bạn bị mất đồng thời Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch cũng bị mất thì được đăng ký lại.
“Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại”.
Khoản 4 Điều 25 nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định: “Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây".
Do đó, khi làm lại giấy đăng ký kết hôn thì những vấn đề liên quan trong thời kì hôn nhân sẽ được xác định theo giấy đăng ký cũ, tức là trong trường hợp này, mặc dù năm 2009 bố mẹ bạn đã đi làm lại giấy đăng ký kết hôn vì giấy đăng kí trước đó không được lưu vào sổ hộ tịch nhưng về pháp lý thì các vấn đề phát sinh trong thời kì hôn nhân sẽ được tính từ ngày giấy đăng ký kết hôn cũ có hiệu lực. Vì vậy, các quyền và nghĩa vụ của mẹ bạn sẽ được xác định theo giấy đăng ký kết hôn trước đó, tài sản được tạo lập trong thời kì hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Tài sản riêng của một bên vợ/chồng mà không chứng minh được là tài sản riêng của một bên vợ/chồng thì cũng được coi là tài sản chung vợ chồng. Về nguyên tắc thì khi ly hôn, tài sản sẽ được chia đôi, nhưng tùy từng trường hợp thì khối tài sản này có thể không phải là chia đôi.
“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này”.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính! Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi để chúng tôi tư vấn hoặc gọi 1900 6281 để nghe Luật sư tư vấn.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.