Trả nợ bằng đất đai cho mình thì mảnh đất đó có được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất không?
01/04/2017 21:13
Thưa Luật sư, trước năm 1998 gia đình em có cho nhà bác hàng xóm vay tiền. Nhưng bác ấy không có khả năng trả nợ. Và bác ấy bỏ đi để lại thửa đất cho gia đình em quản lý. Năm 1998 chính quyền địa phương có xuống đo đạc lại thửa đất và giao cho bố mẹ em quản lý và sử dụng.
Hiện tại trên bản đồ địa chính thửa đất vẫn mang tên bố mẹ em. Từ đó đến nay, bố mẹ em vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước. Năm 2005 bố em có làm tờ khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong tờ khai xin cấp 4 thửa). Nhưng địa phương chỉ cấp cho 3 thửa , còn một thửa này lại bỏ lại. Và từ đó đến nay, rất nhiều lần chính quyền địa phương có giấy mời để làm rõ nguồn gốc đất và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để chờ người chủ ban đầu về rồi giải quyết tiếp với lý do các cử chi thắc mắc. Và đến thời điểm này chính quyền địa phương lại tổ chức xuống đo đạc lại để xác định danh giới. Vậy theo Luật sư, thì chính quyền địa phương làm vậy có đúng luật không, và bố mẹ em có quyền được xin cấp giấy sử dụng thửa đất trên không ? Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty luật Bảo Chính. Về nội dung bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Do bạn không trình bày cụ thể, nên có hai hướng như sau:
- Thứ nhất: nếu người bác hàng xóm trước khi bỏ đi giao lại đất cho gia đình bạn và có giấy tờ giao lại để chứng minh việc giao đất này thay cho việc trả món nợ người bác ấy vay thì việc xin được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với mảnh đất của bác hàng xóm là đúng với quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
" Điều 99. Trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
[......]
c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ; [...]"
- Thứ hai: Nếu người bác hàng xóm trước khi bỏ đi giao lại đất cho gia đình bạn quản lý mà không nhắc gì đến vấn đề trả món nợ, đồng thời năm 1998, chính quyền địa phương có đo đạc thửa đất và giao cho bố mẹ bạn quản lý, bố mẹ bạn vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua các năm bình thường thì được coi như gia đình bạn đang quản lý đất thay cho người hàng xóm. Do đó, căn cứ sau:
Theo Khoản 2 Điều 185 Bộ luật dân sự 2005:
“2. Người được ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.”
Điều 247 có nội dung như sau:
“1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó .
Như vậy, gia đình bạn được giao quản lý nhà đất chỉ là trường hợp được ủy quyền quản lý tài sản nên dù bố bạn đã được giao quản lý nhà đất 30 năm trở lên thì vẫn không được coi là chủ sở hữu của nhà đất đó. Do đó, gia đình bạn sẽ không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Đồng thời, bạn trình bày ở đây là chính quyền địa phương, không nói rõ là cơ quan ở cấp xã hay cơ quan ở cấp huyện nên có thể xảy ra hai trường hợp sau:
- Thứ nhất: Nếu chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân cấp xã thì việc thực hiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đo đạc là trái quy định pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có chức năng quản lý đất đai tại địa phương mình mà không có chức năng cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
- Thứ hai: Nếu chính quyền địa phương bạn nói là Văn phòng đất đai quận, huyện nơi có mảnh đất gia đình bạn đang quản lý thì việc thực hiện các thủ tục trên là đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.