Thủ tục nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài
20/06/2017 08:48Thủ tục nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Bạn tôi là người ngoại quốc, có con với một phụ nữ Việt Nam hiện, chưa đăng ký kết hôn. Hiện tại, cháu đã được 3 tuổi và ở với người phụ nữ đó tại Tp.HCM. Bạn tôi muốn làm thủ tục đăng ký nhận con để chăm sóc cháu thì phải làm như thế nào? Bạn tôi không muốn kết hôn với người phụ nữ đó vì người phụ nữ này đã bỏ nhà đi với một người đàn ông khác và không chăm sóc con. (Gửi bởi: hoanggiangvp@gmail.com)
Về thủ tục nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
1. Cơ quan tiếp nhận giải quyết hồ sơ:
Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh
- Địa chỉ: 141-143 Pasteur, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 08.38251402
2. Thành phần hồ sơ (Căn cứ vào Điều 50, Nghị định 126/2014/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình)
Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (theo mẫu);
- Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người được nhận là cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ.
- Căn cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc mẹ, con (nếu có);
- Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con;
- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân như Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Bạn cần lưu ý về căn cứ chứng minh quan hệ cha và con trong trường hợp bạn của bạn. Theo quy Điều 11, Thông tư 15/2015/TT – BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:
“- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Ngoài ra, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.”
3. Thời hạn giải quyết
- Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp cần xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
4. Lệ phí
- Lệ phí cho mỗi lần làm thủ tục là 1.000.000 đồng/trường hợp
5. Lưu ý
Trong quá trình thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ và con bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây để tiết kiệm chi phí và thời gian:
- Vào thời điểm nộp hồ sơ, bên nhận và bên được nhận phải còn sống, tự nguyện nhận cha, mẹ, con và không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con. Hồ sơ nhận cha, mẹ, con phải do người có yêu cầu nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp.
- Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó.
- Con đã thành niên nhận cha không phải có sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ không phải có sự đồng ý của cha.
- Trường hợp con chưa thành niên nhận cha thì mẹ làm thủ tục nhận cha cho con, nhận mẹ thì cha làm thủ tục cho con. Trường hợp con chưa thành niên nhận cha mà người mẹ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc nhận mẹ mà người cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ làm thủ tục nhận cha hoặc nhận mẹ cho con.
- Bản sao các giấy tờ trong hồ sơ phải được chứng thực hợp lệ. Trường hợp bản sao giấy tờ không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Các văn bản do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Văn bản được cấp từ cơ quan Đại diện ngoại giao của nước ngoài đang trú đóng tại Việt Nam thì do Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Văn bản được cấp từ nước ngoài do cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó hợp pháp hóa. Trường hợp văn bản được cấp từ nước ngoài đã mang về Việt Nam nhưng chưa được hợp pháp hóa thì văn bản này phải thông qua cơ quan Ngoại giao của nước cấp văn bản đang trú đóng tại Việt Nam thị thực. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hay cơ quan Ngoại vụ được Bộ Ngoại giao Việt Nam ủy nhiệm hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Danh sách các nước và các loại giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự xem tại Trang Thông tin điện tử của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam tại địa chỉ (www.lanhsuvietnam.gov.vn).
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.