Thủ tục ly hôn và quyền nuôi con sau khi ly hôn
31/03/2017 10:32Em lấy vợ cũng được hơn ba năm mà vợ chồng chung sống không được hạnh phúc, nay em muốn ly hôn thì thủ tục như thế nào. Chúng em có một con chung và em muốn được nuôi cháu thì phải làm thế nào? (Nguyễn Nam - Hà Nội)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn cụ thể như sau:
"1.Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.
2.Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình thì bạn có quyền yêu cầu ly hôn. Cho nên nếu thấy cuộc sống gia đình không hạnh phúc, không thể tiếp tục duy trì thì bạn có quyền nộp đơn ly hôn và yêu cầu tòa án giải quyết.
Quy định tại Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình 2000 về căn cứ cho ly hôn:
“1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn”.
Về tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được được hướng dẫn cụ thể tại mục số 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP:
"a) Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
b) Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này.Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
c) Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt”.
Theo như bạn trình bày là vợ chồng đã kết hôn được ba năm nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Vậy bạn cần xác định vì sao cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc? Quan hệ hôn nhân đang ở trong tình trạng nào? Nếu tình cảm vợ chồng lạnh nhạt, không có sự quan tâm chia sẻ, mâu thuẫn gay gắt, không thể điều hòa được, không còn yêu thương, quý trọng nhau nữa. Như vậy, mục đích của hôn nhânlà xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đã không đạt. Những mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết bằng quyết định cho chấm dứt quan hệ hôn nhân của tòa án. Khi đó, bạn yêu cầu tòa giải quyết việc ly hôn và nên cung cấp các chứng cứ thỏa mãn các điều kiện nêu trên để tòa có thể chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn của bạn..
Hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn;
+ Bản chính giấy đăng ký kết hôn;
+ Bản sao hộ khẩu;
+ Bản sao chứng minh nhân dân của vợ và chồng ;
+ Bản sao giấy khai sinh của các con;
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản ;
Đối với giấy tờ, tài liệu là bản sao thì cần phải công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Về thẩm quyền giải quyết việc ly hôn:- Trường hợp vợ chồng bạn thuận tình ly hôn thì có thể lựa chọn tòa án nhân dân quận/huyện nơi một trong hai người đang cư trú, làm việc để yêu cầu giải quyết
- Trường hợp bạn đơn phương ly hôn thì cần nộp hồ sơ xin ly hôn tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi vợ bạn cư trú, làm việc.
Về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
“1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Căn cứ vào quy định nêu trên, thì theo nguyên tắc quyền nuôi con dưới ba tuổi được giao trực tiếp cho người mẹ. Nhưng nếu vợ chồng có thỏa thuận khác thì người trực tiếp nuôi con sẽ theo thỏa thuận của vợ chồng.
Đối với con trên 3 tuổi thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, khi đó người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Tòa sẽ xem xét đến các yếu tố sau đây để đưa ra quyết định:
+ Điều kiện về vật chất bao gồm: ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập.... mà mỗi bên dành cho con. Các yếu tố đó có thể dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ...;
+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi, giải trí..
Bạn có thể căn cứ vào quy định trên đây để giành quyền nuôi con.
Khi bạn là người trực tiếp nuôi con thì vợ bạn vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn:
“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết”.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.