Thủ tục làm khai sinh hai quốc tịch cho con
22/06/2017 09:03
Thủ tục làm khai sinh hai quốc tịch cho con.
Em quốc tịch Việt Nam còn chồng em quốc tịch Mỹ. Hiện em đang mang thai và sẽ sinh con tại Việt Nam. Em muốn con có hai quốc tịch Việt nam và Mỹ thì khi làm khai sinh em phải làm thế nào ? Nếu phần quốc tịch chọn là quốc tịch Việt nam thì thủ tục khai sinh như thế nào? Em muốn tên con toàn bộ là tên nước ngoài theo họ cha thì có được không? Và giấy thỏa thuận về quốc tịch cho con của cha mẹ có thể làm ở đâu ?
Em xin cảm ơn.
(anhtho@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Về vấn đề nhập hai quốc tịch cho con
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật quốc tịch sửa đổi bổ sung 2014 : "Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam "
Theo thông tin mà bạn cung cấp, chồng bạn là người Mỹ, bạn là người Việt Nam. Bạn muốn con bạn mang hai quốc tịch, tuy nhiên tại thời điểm đăng ký khai sinh tại Việt Nam thì bạn chỉ được chon một quốc tịch cho con bạn, một là quốc tịch Việt Nam, hai là quốc tịch Mỹ sau đó bạn có thể nhập thêm quốc tịch nước còn lại, cụ thể trường hợp bạn khai sinh con mang quốc tịch Việt Nam thì sau đó, chồng bạn phải xin nhập quốc tịch Mỹ cho con bạn và ngược lại nếu hai bạn thỏa thuận con mang quốc tịch Mỹ thì sau đó làm thủ tục con mang thêm quốc tịch Việt Nam.
Về thủ tục đăng ký khai sinh nếu phần quốc tịch chọn là quốc tịch Việt Nam
Thủ tục đăng ký khai sinh cho con bạn sinh ra tại Việt Nam có mẹ là công dân Việt Nam còn cha là công dân nước ngoài thực hiện theo điều 35, 36 luật hộ tịch 2014, cụ thể:
"Điều 35. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
2. Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
"Điều 36. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.”
Như vậy, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Tờ khai.
+ Giấy chứng sinh.
+ Văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc chọn quốc tịch cho con là Quốc tịch Việt Nam.
– Nơi nộp: UBND cấp huyện.
Vì hai vợ chồng bạn thỏa thuận con mang quốc tịch Việt Nam, nên chỉ cần có văn bản thỏa thuận, có chữ ký của hai bên mà không cần phải hợp pháp hóa lãnh sự. Sau khi nhận đủ giấy tờ trên thì công chức làm công tác hộ tịch sẽ ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch.
Về vấn đề đặt tên cho con bạn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.
Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:
"Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán"
Mặt khác, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 :
"1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.”
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc họ, chữ đệm, tên của trẻ em phải là tên tiếng Việt. Điều này phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa cha và mẹ. Hoặc trong trường hợp của bạn thì đó là phụ thuộc vào sự quyết định của bạn đối với họ, chữ đệm, tên của con bạn.
Do cha của con bạn là người nước ngoài có quốc tịch Mỹ nên bạn có thể đặt tên con bạn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài theo sự lựa chọn, thỏa thuận của hai vợ chồng bạn.
Vấn đề giấy thỏa thuận về quốc tịch chồng bạn có thể làm ở đâu?
Giấy thỏa thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước Mỹ mà chồng bạn là công dân nước Mỹ về việc chọn quốc tịch cho con 2 bạn.
Hiện nay, hai bạn đang sinh sống tại Việt Nam thì để có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước Mỹ trong giấy thỏa thuận chọn quốc tịch cho con hai bạn, hai bạn có thể đến xin xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền của nước Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam là cơ quan đại diện cho nước Mỹ ở Việt Nam cũng chính là đại sứ quán nước Mỹ ở Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thủ tục làm khai sinh hai quốc tịch cho con”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!