Thủ tục khai sinh cho con không cùng họ với cha, mẹ như thế nào?
26/06/2017 18:14
Thủ tục khai sinh cho con không cùng họ với cha, mẹ như thế nào? Chồng tôi nguyên là người Trung Quốc, họ đúng là Trương nhưng do phát âm tiếng Việt không đúng nên cán bộ tư pháp phường ghi nhầm thành họ Khương. Nay chồng tôi vẫn mang họ Khương.
Hiện tôi đang mang thai, tôi muốn hỏi khi làm khai sinh cho con, mặc dù trên giấy tờ, chồng tôi họ Khương thì tôi có được khai sinh cho con tôi họ Trương không?
Xin cảm ơn luật sư!
(Thienan…@gmail.com)
Đối với thủ tục khai sinh cho con, Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo Khoản 2, Điều 26, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
" Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ."
Mặt khác, theo quy định tại Điều 6, Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
"Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh."
Căn cứ theo điều luật trên thì pháp luật yêu cầu mọi giấy tờ cá nhân phải có nội dung phù hợp với nội dung trong giấy khai sinh. Theo bạn trình bày, họ trong Giấy khai sinh của chồng bạn là họ Khương mà thực tế là họ Trương. Vì vậy, mọi thông tin liên quan đến họ tên của chồng bạn trong các hồ sơ, giấy tờ sau này phải được thể hiện là họ Khương.
Chồng bạn sẽ phải đính chính lại họ của mình theo quy định của Nghị định 123/2015:
"Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch."
Vì vậy trường hợp này, do người yêu cầu đăng ký hộ tịch phát âm không chuẩn tiếng Việt nên bị sai sót nên chồng bạn có quyền đính chính lại họ của mình là họ Trương. Sau đó, thì bạn chỉ cần khai sinh cho con theo họ bố.
Như vậy, bạn không thể khai sinh cho con mang họ Trương khi trong Giấy khai sinh của chồng bạn mang họ Khương, bạn có thể xem xét hai cách ở trên để khai sinh cho con theo đúng mong muốn của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi "Thủ tục khai sinh cho con không cùng họ với cha, mẹ như thế nào?", nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi về Công ty Luật Bảo Chính hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!