Thỏa thuận nuôi con bằng miệng có bắt buộc thực hiện theo ?
28/03/2017 14:26Kính thưa luật sư. Tôi đã ly hôn 1 năm với chồng ( sinh 1986 ) và có 1 con gái nhỏ 21 tháng tuổi. Khi ly hôn chúng tôi thỏa thuận quyền nuôi con thuộc về tôi, tôi vẫn tạo mọi điều kiện để anh ta thăm con tại nhà tôi. Trong suốt thời gian sau ly hôn, chồng cũ tôi không làm đúng nghĩa vụ chu cấp cho con. Khoảng thời gian trước tết chồng cũ tôi có đề nghị tôi để anh ta chăm sóc con vì muốn gần con và cũng muốn tạo điều kiện cho tôi phát triển sự nghiệp ( hiện tôi là trưởng phòng ) và mỗi cuối tuần sẽ đưa con gái về bên tôi . Trong cuộc thỏa thuận này chồng cũ tôi có ghi âm lại. Tôi có nhờ anh ta đưa con về trong tuần chơi nhưng anh ta không đồng ý, lấy lý do là vì an toàn nên không chở con qua lại nhiều, tôi thấy lý do này chính đáng nên tôi đề nghị khi nào nhớ con thì tôi sẽ qua thăm con. Tuy nhiên chồng tôi nhất quyết không cho tôi địa chỉ phòng trọ và chỉ đưa con về mỗi cuối tuần. Sau khi xảy ra trang cãi anh ta có nói sẽ gởi đơn kiện giành lại quyền nuôi con. Xin hỏi luật sư trong trường hợp này tôi có được quyền nuôi con không ? Hiện anh ta là gì ở đâu không cho ai biết, ngay cả gia đình chồng tôi cũng không biết thông tin gì ? Mong luật sư tư vấn dùm.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp bạn và chồng đã ly hôn và quyền nuôi con theo thỏa thuận của tòa án thì bạn là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nếu sự thỏa thuận này đã được tòa án công nhận trong thỏa thuận công nhận thuận tình ly hôn thì vợ chồng bạn có trách nhiệm thực hiện theo. Hiện nay chồng bạn là người vi phạm thỏa thuận. Việc bạn và chồng thỏa thuận lại việc nuôi con nhưng chỉ có nói miệng, mặc dù có ghi âm nhưng cũng không được coi là bắt buộc hai bên phải thực hiện theo.Chồng bạn hiện may muốn giành quyền nuôi con khi và chỉ khi đáp ứng những quy định sau :
Điều 84, luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ về vấn đề này
"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Vậy thỏa thuận ly hôn của bạn và chồng là văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất. Bạn có quyền đưa đơn lên cơ quan thi hành án dân sự của tòa án đã công nhận bản án ly hôn để được giúp đỡ, yêu cầu chồng bạn giao lại con cho bạn chăm sóc.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhận được giải đáp hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.