Thẩm quyền của tòa án trong giải quyết vụ việc ly hôn trường hợp đơn phương ly hôn
09/12/2016 12:01Xin luật sư tư vấn cho tôi về việc xác định thẩm quyền của Tòa án có thẩm quyền của tòa án trong giải quyết vụ việc ly hôn theo yêu cầu của một bên, có tài sản chung là bất động sản mà bất động sản đó ở tỉnh khác với nơi cư trú của vợ chồng? Xin cảm ơn!
Với thông tin bạn cung cấp, Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Thứ nhất, xét về thẩm quyền của tòa án giải quyết vụ việc ly hôn: Theo quy định tại Điều 27, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011(BLTTDS) thì đây là tranh chấp về hôn nhân gia đình, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“Điều 27. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.”
Thứ hai, xét về thẩm quyền về cấp xét xử: Vụ việc không có yếu tố nước ngoài nên thẩm quyền thụ lý giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện. Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 33 (BLTTDS):
“Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;”
Thứ ba, xét về thẩm quyền theo lãnh thổ. Trong tường hợp này, Tòa án nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết. Điều này được quy định rõ ràng tại điểm a, khoản 1, Điều 35 BLTTDS:
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Thứ tư, về việc ly hôn có tranh chấp với bất động sản ở tỉnh khác thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết (điểm a, khoản 1, Điều 36 BLTTDS) hay vẫn là Tòa án nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết (điểm a, khoản 1, Điều 35 BLTTDS)? Băn khoăn của bà là có cơ sở, cũng là thắc mắc của rất nhiều người khi xác định thẩm quyền của Tòa án. Vì khoản 3, Điều 8 Nghị quyết số: 02/2013/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định :
“3. Đối với tranh chấp về bất động sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 của BLTTDS thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.”
Tuy nhiên, đây không phải là tranh chấp về bất động sản mà bản chất và cốt lõi là tranh chấp về hôn nhân gia đình (ly hôn chia tài sản). Bởi vậy, thẩm quyền theo lãnh thổ vẫn được áp dụng (tức Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết nếu hai bên không thỏa thuận một Tòa án khác để giải quyết). Điều này được ghi nhận rõ ràng tại khoản 4, Điều 8 Nghị quyết số: 02/2013/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012)
“4. Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.”
Mà tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định như sau:
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Vì vậy, Tòa án nơi bị đơn cư trú là Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp nơi cư trú của đương sự (trong vụ án hôn nhân) và bất động sản của họ không cùng một địa điểm. Vấn đề về thẩm quyền của Tòa án là vấn đề phức tạp, cần có sự nghiên cứu sâu về chuyên môn để xác định đúng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.