Sau ly hôn, cha có được quyền khai sinh và nhập khẩu cho con không?
27/06/2017 06:31
Sau ly hôn, cha có được quyền khai sinh và nhập khẩu cho con không? Vợ chồng em lấy nhau được hơn 1 năm và đã có với nhau 1 bé đầu được 1 tuổi bé thứ 2 chuẩn bị chào đời. Do có chút mâu thuẫn mà cô ấy bế con bỏ nhà đi. Bên nhà mẹ cô ấy thì bắt cô ấy phải li dị với em. Em có đi tìm mà không thấy mẹ con cô ấy ở đâu và không biết sau này khi sinh em bé, nếu trong trường hợp cô ấy cố tình nộp đơn ra tòa thì khi ấy em có được quyền làm khai sinh cho bé mang họ của em và nhập khẩu theo gia đình em không?
(Phan Văn Dũng – Quảng Ninh)
Với câu hỏi “Sau ly hôn, cha có được quyền làm khai sinh và nhập khẩu cho con không?” của bạn, Công ty Luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về xác định cha, mẹ, con:
"Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định."
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của hai người. Quan hệ cha đẻ - con đẻ giữa bạn và con được pháp luật công nhận, bảo hộ. Do đó, ngay cả trong trường hợp tòa án xử cho ly hôn thì pháp luật cũng không tước quyền làm cha của bạn vì vậy bạn hoàn toàn có quyền đứng tên cha trong khai sinh của con. Về họ của con được xác đinh như sau: "Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán." (Điểm a, Khoản 1, Điều 4, Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hộ tịch).
Về việc nhập khẩu của con bạn.
Pháp luật quy định trường hợp được nhập khẩu trong các trường hợp sau:
"Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột."
Như vậy, nếu trường hợp vợ bạn vẫn còn khẩu trong gia đình bạn thì con đương nhiên sẽ nhập khẩu vào gia đình bạn, nếu trường hợp vợ bạn đã tách khẩu thì con sẽ theo khẩu của người nuôi dưỡng. Và trường hợp ly hôn con bạn còn nhỏ dưới 36 tháng tuổi pháp luật quy định sẽ được giao cho mẹ nuôi, như vậy con bạn sẽ theo khẩu của mẹ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi “Sau ly hôn, cha có được quyền khai sinh và nhập khẩu cho con không?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi về Công ty Luật Bảo Chính hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!