Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái.
23/06/2017 15:58Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái như thế nào khi chứng kiến cảnh con rể đánh đập con gái tôi. Con gái tôi kết hôn năm 2000, có hai con chung: đứa lớn 10 tuổi, đứa bé 2 tuổi. Tháng 06/ 2015, con gái tôi bị tai biến, tâm trí không ổn định. Bệnh tình con gái tôi ngày càng xấu đi, con rể tôi không chăm sóc con gái tôi mà còn đánh quát nó, dẫn người tình về nhà, lấy tài sản cho người tình. Vậy tôi có quyền yêu cầu cho hai vợ chồng nó ly hôn không? tôi có quyền nuôi hai đứa cháu không? Mong sớm nhận được câu trả lời từ luật sư! (Nguyenthimai@gmail.com).
Về vấn đề quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái mà bạn đang quan tâm, công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, con gái bạn hiện nay bị tai biến mất trí nhớ tâm thần không ổn định và cũng bị chồng thường xuyên đánh đập, không chăm sóc cô ấy. Do vậy, bạn muốn nộp đơn yêu cầu ly hôn cho con gái mình. Căn cứ theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."
Như vậy, cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có đủ các điều kiện một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Với trường hợp của bạn, con gái bạn bị mắc bệnh tai biến, tâm trí không ổn định nhưng càng về sau, bệnh tình càng nặng hơn, con gái bạn bị mất kiểm soát hành vi của mình, có thể sẽ không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nữa. Đồng thời, con gái bạn cũng bị chồng thường xuyên đánh đập, mà thậm chí còn dẫn người tình về nhà, đem tài sản cho người tình, căn cứ theo Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình, con gái bạn được xem là nạn nhân của bạo lực gia đình. Hành vi của con rể của bạn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần hoặc thậm chí sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của con gái bạn.
Chính vì vậy, trong trường hợp này bạn có đầy đủ điều kiện để có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn cho con gái mình.
Về quyền nuôi hai đứa cháu sau khi ly hôn:
Trước hết, trong trường hợp này, con gái bạn bị mắc bệnh tai biến trí nhớ không ổn định, bạn là người yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái mình, do đó, bạn sẽ là đại diện của con gái mình để tham gia giải quyết yêu cầu ly hôn.
Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Về quyền nuôi con, theo nguyên tắc thì trước hết theo thỏa thuận của hai bên vợ chồng. Trong trường hợp này, bạn có thể thỏa thuận với con rể mình để có quyền được nuôi hai đứa cháu. Nếu bạn ấy đồng ý, và cô chứng minh được mình có khả năng nuôi hai đứa cháu đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt của hai đứa bé. Lúc này, tòa án sẽ giải quyết cho bạn nuôi hai đứa cháu.
Mặt khác, trong trường hợp bạn và con rể không thể thỏa thuận với nhau được về việc nuôi hai đứa cháu. Đứa cháu lớn hiện nay là 10 tuổi, do đó, khi ra tòa, căn cứ vào nguyện vọng của đứa bé muốn ở với bố hay ở với mẹ thì tòa án sẽ xem xét đến vấn đề bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của cháu, xem xét ai có khả năng đủ điều kiện kinh tế, đủ khả năng nuôi cháu được thì Tòa án sẽ giải quyết cho người đó nuôi cháu.
Đối với đứa cháu 2 tuổi. Căn cứ theo quy định của pháp luật thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, tuy nhiên, trong trường hợp này, con gái cô đang mắc bệnh tai biến, tâm trí không ổn định nên có khả năng sẽ không được nuôi con. Trong trường hợp này, bạn cần chứng minh được mình có đủ điều kiện để nuôi cả con gái và cả cháu để tòa án xem xét để ưu tiên cho mẹ của cháu được nuôi con, bởi lẽ, đứa bé mới hai tuổi, cần có sự chăm sóc của người mẹ, được ở cùng với mẹ sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích về mọi mặt cho cháu.
Trường hợp bạn không chứng minh được việc mình có đủ điều kiện nuôi con gái và cháu mình, mà con rể cô chứng minh được bạn ấy đủ điều kiện về kinh tế, tài chính, đủ khả năng đáp ứng được quyền lợi về mọi mặt cho hai cháu. Trong trường hợp này, Tòa án có thể xem xét giao cả hai đứa con cho bạn ấy nuôi.
Như vậy, cô có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thay cho con gái cô, còn về vấn đề nuôi hai đứa cháu, căn cứ theo từng trường hợp cụ thể, theo thỏa thuận hay căn cứ vào việc chứng minh khả năng nuôi hai đứa bé, Tòa án sẽ giải quyết giao hai đứa bé cho người nào nuôi.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!