Quyền nuôi con và thay đổi họ theo pháp luật hiện hành
20/06/2017 09:06Quyền nuôi con và thay đổi họ theo pháp luật hiện hành. Vợ chồng tôi ly hôn được 5 năm. Trong thời gian đó, vợ cũ của tôi có chung sống với người đàn ông khác nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ cũ của tôi đã sinh được một người con, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy cháu bé là con của tôi. Khi biết cháu bé không phải là con ruột của anh ta, anh ta đã bỏ đi. Hiện vợ cũ của tôi đang một mình nuôi con. Tuy nhiên, vợ cũ tôi lại đặt tên cháu bé theo họ của người đàn ông kia. Nếu dựa vào kết quả xét nghiệm ADN, tôi có quyền nhận con không? Trong trường hợp được nhận con, tôi có quyền đề nghị đổi họ của cháu theo họ của tôi không? Nếu trong trường hợp mẹ cháu không còn đủ điều kiện đảm bảo để nuôi con thì tôi có được nhận cháu về nuôi không? (Gửi bởi: letuanminh88@gmail.com)
Kết quả xét nghiệm AND là một bằng chứng quan trọng giúp Tòa án có căn cứ xem xét, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Tòa án không thể chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm AND để cho anh nhận con. Anh cần đưa ra những căn cứ đã được pháp luật hôn nhân gia đình quy định. Theo quy định tại khoản 1, Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, nếu trường hợp anh xác định thời điểm con được sinh ra thỏa mãn quy định nêu trên thì pháp luật thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp được Tòa án xác định đó là con mình, anh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ cho con. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch đã cho phép thay đổi họ, tên, chữ đệm đã đăng ký trong giấy khai sinh nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định như: “1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 27 của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong trường hợp “Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con”. Như vậy, trong trường hợp xác định được con, anh có thể áp dụng quy định này để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ cho con.
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (khoản 2 Điều 84). Do đó, nếu anh chứng minh được vợ mình không còn đủ điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng, chăm sóc con thì có quyền yêu cầu Tòa án xem xét việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nếu trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quyền nuôi con và thay đổi họ theo pháp luật hiện hành?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.