Quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn giải quyết thế nào?
03/04/2017 15:07
Xin chào Luật Bảo Chính, tôi có câu hỏi mong được giải đáp: Tôi và anh T sống chung khoảng 1 tháng thì mang thai. Trong quá trình mang thai bé H chủ yếu tôi dưỡng thai tại nhà mẹ đẻ. Sau khi tôi sinh ra H thì T thỉnh thoảng có tới thăm tuy nhiên T nghi ngờ H không phải là con mình mà còn đòi xét nghiệm. Lúc bé H tròn 1,5 tuổi T dụ dỗ tôi và con về nhà T sống chung.
Sống chung nửa năm tôi và T đi đăng kí kết hôn, sau đó đổi họ H từ họ của tôi sang họ của T. Trong lúc sống chung T thường xuyên chửi bới, nhục mạ tôi vì vậy chưa tới nửa năm chúng tôi sống ly thân. Hiện tại T luôn quấy rầy và đòi quyền nuôi con. anh T không thực lòng yêu thương bé H mà chỉ một lòng muốn giành quyền nuôi con của tôi ( bé H hiện đang sống cùng tôi). Nhà T có điều kiện kinh tế khá giả, T lương tháng khoảng 9 triệu, h thỉnh thoảng dùng ma túy đá. Tôi thu nhập từ 6,5 đến 7 triệu/ tháng. Tôi thực sự băn khoăn và lo sợ lúc ly hôn mình sẽ không giành được quyền nuôi con. Anh T luôn đe dọa tôi và tự tin rằng mình sẽ giành được quyền nuôi con. Rất mong được sự tư vấn của luật sư. tôi xin chân thành cám ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, thời điểm mà bạn và T không còn sống chung là khi bé H khoảng 2,5 tuổi, tuy nhiên bạn không nói rõ hiện tại bé H bao nhiêu tuổi nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn về vấn đề này. Do đó, nếu tại thời điểm bạn và T ly hôn mà bé H còn dưới 36 tháng tuổi thì bạn là người được trực tiếp nuôi.
Trong trường hợp, bé H từ 36 tháng tuổi trở lên đến dưới 7 tuổi thì Tòa án căn cứ vào các yếu tố từ hai bên vợ chồng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của con bạn để quyết định việc ai là người được trực tiếp nuôi con, nếu H từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của H.
Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yếu tố sau:
+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Như vậy, nếu bạn có thể chứng minh được việc bạn có đủ các điều kiện về vật chất, tinh thần để chăm sóc, nuôi dưỡng bé H tốt hơn so với T hoặc chứng minh được việc T không đủ điều kiện để trở thành người trực tiếp nuôi dưỡng bé H (việc T sử dụng ma túy đá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của bé nếu T là người trực tiếp nuôi dưỡng) thì bạn hoàn toàn có khả năng giành được quyền nuôi con.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.