Quyền lợi sau khi ly hôn nhưng không yêu cầu chia tài sản như thế nào?
27/03/2017 16:08
Tôi kết hôn với chồng năm 2001. Năm 2013, chúng tôi thuận tình li hôn. Lúc li hôn không chia tài sản (tài sản chung tự thoả thuận). Tôi nuôi 2 con ( sinh năm 2003 và 2005). Tài sản chung lúc đó có một căn nhà chung lúc đó có một căn nhà chung, một xe SH do chồng kí tên, tiền khoản 172 triệu VNĐ. Thực tế chồng tôi quản lí xe SH và tiền, tôi quản lí nhà. Nguồn gốc nhà: chồng đứng ra mua năm 2000 ( trước khi kết hôn) nhưng số tiền mua đất là 108 triệu VNĐ do chồng mượn của bác dâu của anh ấy. Sau đó hai vợ chồng cùng làm và trả nợ. Tiền đó do anh chồng làm ra nhiều hơn (theo tỉ lệ khoảng 7/3). Nhà xây trên đất đó tháng 2/2003 khoảng 400 triệu VNĐ. Tiền đó do hai vợ chồng tích cóp. Chồng nhiều hơn (6/4). Xe SH mua năm 2009 khoảng 8200 USD. Năm 2013 tôi quản lí nhà và cho thuê để lấy tiền nuôi con. Chồng tôi cấp dưỡng hàng tháng như thoả thuận lúc li hôn nhưng không đủ. Tiền thuê nhà khoảng 6,5 triệu VNĐ/ tháng. Nhà có giá trị khoảng 3,5 tỉ VNĐ (4x18m) Bây giờ chồng tôi muốn đòi lại nhà. Tôi muốn được hỗ trợ pháp lý. Thông tin liên quan:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) được cấp ngày 16/7/2012 cả hai vợ chồng đều đứng tên sở hữu
2. Chồng tôi có thoả thuận cấp dưỡng một tháng 6 triệu VNĐ cho 2 con bắt đầu từ tháng 11/2013 cho đến khi con 18 tuổi. Hai bên thoả thuận nếu không cấp dưỡng thì anh phải bù thêm tiền lãi theo Nhà nước quy định
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo chính trả lời như sau:
Theo thông tin chị cung cấp, căn nhà hiện tại do anh chị cùng đứng tên sở hữu, khi ly hôn không yêu cầu chia tài sản. Vậy sau khi ly hôn, căn nhà trên vẫn là tài sản chung của anh chị và cả hai đều có quyền sở hữu căn nhà.
Anh và chị đều có quyền quản lý, khai thác tài sản chung, đồng thời cũng có quyền thoả thuận về người trực tiếp quản lý, khai thác tài sản đó. Việc định đoạt, phân chia tài sản chung được hướng dẫn tại Điều 218, Điều 219 Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 218. Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.
6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.
Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Theo đó, hiện tại, việc chồng chị đòi lại toàn bộ căn nhà là không có cơ sở. Tuy nhiên, chồng chị có quyền yêu cầu chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính! Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi để chúng tôi tư vấn hoặc gọi 1900 6281 để nghe Luật sư tư vấn.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.