Quyền lợi của con nuôi khi cha mẹ nuôi là thương binh liệt sĩ
31/03/2017 15:02
Chồng tôi là thương binh và được hưởng những đãi ngộ của người có công với cách mạng. Chúng tôi không có con và nhận nuôi con nuôi. Đến nay người con nuôi đã 30 tuổi. Năm ngoái chồng tôi mất. Người con nuôi này thay đổi thái độ, ngược đãi tôi do bị mất quyền lợi khi chồng tôi là thương binh không còn và không phụng dưỡng tôi nữa.
Tôi có ý định bán đất về quê ngoại sinh sống vì tôi chỉ có một mình nhưng người con nuôi này không cho.
Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể chấm dứt mối quan hệ nhận con nuôi này hay không? Cảm ơn luật sư.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 24 Luật nuôi con nuôi có quy định như sau:
“Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1.Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3.Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4.Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.”
Như vậy, trong trường hợp của bác kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo thông tin bác cung cấp, chồng bác là thương binh. Do đó, người con nuôi này hoàn toàn có thể được nhận những ưu đãi đối với con thương binh liệt sĩ theo quy định Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 31/2013 ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người có công với cách mạng quy định chế độ ưu đãi trong giáo dục… Trường hợp bác và người con nuôi này thống nhất được việc bán đất thì người con nuôi này được nhận chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật.
Điều kiện chấm dứt việc nuôi con nuôi:
Theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về các điều kiện để chấm dứt việc nuôi con nuôi:
Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
“1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
2.Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
3.Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
4.Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.”
Theo đó, lí do bác muốn chấm dứt quan hệ nhận con nuôi trong trường hợp này hoàn toàn được pháp luật cho phép. Cụ thể, căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 25 luật này con nuôi bác đã thành niên và bác tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đồng thời con nuôi bác có hành vi ngược đãi đối với bác thuộc điều kiện để chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định pháp luật.
Việc chấm dứt việc nuôi con nuôi còn đươc quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 77 quy định: “Con nuôi đã thành niên, cha, mẹ đẻ, người giám hộ của con nuôi, cha, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại Điều 76 của luật này”
Căn cứ tại khoản 1 Điều 76 quy định: “Một trong những trường hợp khi có yêu cầu của những người quy định tại khoản 1 Điều 77 nói trên, Tòa án có thể ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi, đó là cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.”
Như vậy, để chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi bác cần gửi đơn yêu cầu đến Tòa án cấp quận, huyện (nơi người con nuôi đã thành niên đang cư trú) để đề nghị Tòa giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.