Quyền đơn phương ly hôn khi đang mang thai của người vợ
13/12/2016 10:40Thưa luật sư. Em đang bế tắc trong cuộc sống hôn nhân rất mong luật sư có thể tư vấn cho em. Em lấy chồng cũng khá lâu rồi, hiện nay có một cháu gái 8 tuổi và đang mang thai 8 tháng cháu thứ hai. Thời gian đầu lấy nhau thì chồng em cũng rất chỉn chu làm ăn và chăm sóc gia đình nhưng thời gian gần đây, công việc không được như ý nên chồng em sinh ra nhiều tật, không chịu đi làm nữa, suốt ngày cờ bạc lô đề, đi chơi qua đêm mới về. Em thì đang mang bầu, không làm được gì nhiều nên kinh tế càng khó khăn, mỗi khi say rượu về chồng em lại đánh, chửi mắng và dằn vặt em không sinh được con trai (đứa thứ hai em mang bầu cũng là con gái). Em không thể chịu đựng được cuộc sống như thế này nữa nên muốn làm đơn ly hôn nhưng chồng em không đồng ý và dọa nếu em vẫn muốn ly hôn thì sẽ giành hết quyền nuôi 2 đứa con. Em muốn hỏi, em có thể đơn phương ly hôn được không, và sau khi ly hôn em có được quyền nuôi con không?
Trước hết, theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Như vậy, pháp luật chỉ hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng trong thời kỳ vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi chứ không hạn chế quyền của người vợ. Trong trường hợp bạn đang mang thai 8 tháng vẫn có quyền đơn phương ly hôn với chồng.
Thứ hai, về thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: "1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia"
Để được tòa thụ lý đơn ly hôn thì phải có căn cứ ly hôn, căn cứ ly hôn trong trường hợp của bạn đó là " vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được". Cụ thể, cuộc sống hôn nhân của bạn đang không hạnh phúc, chồng bạn ham mê cờ bạc, lô đề, say rượu về hay đánh đập chửi mắng bạn. Tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Tòa sẽ căn cứ vào các tình tiết này để thụ lý đơn ly hôn của bạn.
Thứ ba, về quyền nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: "1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con"
Như vậy, con gái của bạn trên 7 tuổi nên cần hỏi ý kiến của cháu muốn ở với bố hay mẹ sau khi bố mẹ ly hôn, việc này cần cân nhắc kỹ để tạo điều kiện tốt nhất cho cháu. Còn đứa thứ hai bạn đang mang thai và sắp sinh thì sau khi sinh bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để chăm nom và nuôi dưỡng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính, trường hợp còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc gọi 19006281 để được các luật sư của Công ty chúng tôi tư vấn trực tiếp./.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.