Quyền của người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn?
01/04/2017 08:51
Thưa Luật sư, tôi đã ly hôn. Khi kết hôn tôi không chuyển khẩu về nhà chồng, khi sinh con, tôi đăng ký khai sinh cho con trai tôi tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội và nhập sinh cho cháu vào hộ khẩu gia đình tôi ở Xuân Thủy, Cầu Giấy. Con trai tôi do tôi nuôi dưỡng, nhưng bố mẹ đẻ tôi gần đây đã cho ông bà nội cháu giấy khai sinh bản gốc, giấy chuyển khẩu của con trai tôi để chuyển đến Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội. Gia đình nhà nội đã thay đổi tên của con trai tôi mà chưa được sự đồng ý của tôi.
Xin hỏi luật sư, hành động như vậy có hợp pháp không? Tôi muốn đòi lại con trai tôi thì tôi phải làm như thế nào? Vì theo phán quyết của tòa án, thì quyền nuôi con thuộc về tôi. Gia đình nhà nội của cháu đón cháu về nhưng chưa làm đơn xin nuôi con trai tôi ra tòa án. Xin luật sư xem xét, tư vấn, giải quyết giúp tôi. Tôi xin trân thành cảm ơn luật sư.!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
- Thứ nhất, về điều kiện thay đổi họ cho con
Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quyền thay đổi tên như sau:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Ngoài ra, Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:
Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
“1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng."
Theo đó việc ông bà nội ông bà nội lấy giấy khai sinh bản gốc, giấy chuyển khẩu của con trai bạn để chuyển đến Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội là không đúng.
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”.
Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với con của mình kể cả khi quan hệ hôn nhân đó đã chấm dứt. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.
Như vậy, dựa vào các quy định trên việc gia đình nhà nội đã thay đổi tên của con trai bạn mà chưa được sự đồng ý của bạn là hành vi trái pháp luật.
- Thứ hai, quyền nuôi con
Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, quyền nuôi con thuộc về bạn nên khi gia đình nhà nội đón cháu về và không giao cháu lại cho bạn và cũng chưa làm thủ tục thanh đổi người trực tiếp nuôi con là hành vi trái pháp luật. Do đó bạn có quyền khởi kiện lên tòa án về hành vi cản trở việc thực hiện phán quyết của tòa án đối với gia đình nhà nội để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.