Quyền đơn phương ly hôn
24/06/2017 08:49
Quyền đơn phương ly hôn. Thưa luật sư, tôi muốn về việc đơn phương ly hôn. Vợ chồng tôi dạo gần đây mâu thuẫn trầm trọng, tôi đã viết đơn xin ly hôn nhưng chồng tôi không ký, cũng như không đồng ý ly hôn với tôi. Tôi không biết có quyền tự mình xin ly hôn không? Thủ tục giải quyết như thế nào?
Mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư, tôi xin cảm ơn!
Người gửi: Trịnh Thanh Hà (Yên Bái)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn". Theo đó, thì cả hai vợ chồng hoặc mình vợ, hoặc mình chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Như vậy, bạn có quyền đơn phương ly hôn mà không cần chồng đồng ý cũng như không cần chồng ký vào đơn xin ly hôn.Trong trường hợp này bạn có quyền viết đơn xin ly hôn gửi đến Toà án cấp quận huyện, nơi chồng bạn hoặc bạn đang cư trú hoặc làm việc, để được thụ lý giải quyết.
Thủ tục yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương:
Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:
– Đơn xin ly hôn;
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng;
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng;
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…
– Bản sao giấy khai sinh của con. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của là tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (chồng bạn) cư trú, làm việc.
– Trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, "nếu không biết nơi cư trú, làm việc,trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc,có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Lúc này, bạn có quyền tự mình lựa chọn Tòa án để yêu cầu giải quyết ly hôn là Tòa án cấp huyện nơi bạn cư trú hoặc làm việc.
Sau khi nộp đơn, nếu có căn cứ để giải quyết vụ án Toà án sẽ yêu cầu bạn đóng tiền tạm ứng án phí. Sau đó tòa sẽ thụ lý và giải quyết, cụ thể như sau: sau khi thụ lý, Tòa án sẽ thông báo cho chồng bạn biết việc khởi kiện của bạn để chồng bạn trình bày ý kiến, sau đó tòa án sẽ mời vợ chồng bạn đến hoà giải, nếu hoà giải không đạt kết quả thì Tòa án sẽ mở phiên tòa để xét xử.
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."
Như vậy, sau khi Tòa án tiến hành hòa giải cho hai vợ chồng bạn mà không thành tức một trong hai bên không muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân, vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu là muốn ly hôn, thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Sau khi tòa án xét xử sơ thẩm xong và có bản án, nếu bạn và chồng bạn không đồng ý với phán quyết của Tòa án thì có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại. Bản án của Toà phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quyền đơn phương ly hôn”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!