Quyền đăng ký kết hôn
24/06/2017 09:00
Quyền đăng ký kết hôn. Hiện nay, tôi đã ngoài 60 tuổi, vợ tôi đã mất từ lâu. Tôi có 3 người con đều đã có gia đình và ra ở riêng. Tôi đã có quan hệ với một cô gái kém mình 25 tuổi và cô ấy cũng đã sinh cho tôi một đứa con trai hiện nay được 4 tháng tuổi. Tôi muốn đăng ký kết hôn, nhưng các con của tôi không đồng ý cho chúng tôi kết hôn, chúng phản đối rất gay gắt. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi liệu tôi có được kết hôn với cô gái này hay không?
Mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư.
Tôi xin cảm ơn!
Người gửi: Đinh Văn Kiện (Nam Định)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo như thông tin bác cung cấp thì hiện nay, vợ bác đã mất từ lâu và bác muốn kết hôn với người khác nhưng mà các con bác không đồng ý.
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
"1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính."
Theo đó, bác và cô gái kia cần có đủ các điều kiện sau:
Về độ tuổi, bác hiện nay đã 60 tuổi, chị kia kém bác 25 tuổi, tức bây giờ chị ấy khoảng 35 tuổi, đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn.
Về nguyên tắc tự nguyện, bác và cô ấy cũng tự nguyện muốn kết hôn với nhau, không vì mục đích bất chính nào, bởi cô ấy cũng đã sinh cho bác một đứa con trai 4 tháng tuổi, và cả hai cũng muốn đảm bảo quyền lợi cho mình về sau.
Về năng lực hành vi dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không phải là người bị mất năng lực dân sự.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015: Một người được xem là mất năng lực hành vi dân sự là một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Như vậy về năng lực hành vi dân sự thì bác và cô gái kia phải không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
Về các trường hợp cấm kết hôn, theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
Một là, kết hôn giả tạo. Trong đó, kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Hai là, thuộc các trường hợp sau cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn. Trong trường hợp này có nghĩa bác và cô gái kia không tự nguyện kết hôn với nhau mà có thể một trong hai bên bị đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc bên kia phải kết hôn trái với ý muốn của mình.
Ba là, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Trường hợp này được hiểu là bạn đang độc thân vì vợ bạn đã mất từ lâu, nên quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ bạn chấm dứt kể từ thời điểm vợ bác mất. Còn vấn đề về cô gái kia, cần phải xem cô ấy đang sống độc thân hay đã kết hôn và đã có chồng rồi. Nếu cô ấy đã có chồng rồi mà lại vẫn có quan hệ với bạn thì lúc này cô ấy không đáp ứng được điều kiện kết hôn. Ngược lại, nếu cô ấy vẫn chưa kết hôn thì cô ấy đương nhiên đáp ứng được điều kiện kết hôn này.
Bốn là, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Trong đó, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Nếu bác và cô ấy thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn này thì hai người không thể kết hôn với nhau.
Như vậy, trong trường hợp của bác, nếu bác và cô gái kia có đủ điều kiện kết hôn, không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo như phân tích trên thì bác và cô ấy hoàn toàn có quyền đăng ký kết hôn với nhau, các con của bác không có quyền phản đối.
Bởi lẽ, quan hệ hôn nhân là quan hệ gắn liền với nhân thân của từng cá nhân cụ thể, hai người nếu có đủ điều kiện kết hôn thì không ai có quyền ngăn cản việc kết hôn của họ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quyền đăng ký kết hôn”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!