Quy định của pháp luật về phụng dưỡng ông bà
13/05/2017 09:13Xin chào luật sư! tôi có thắc mắc sau muốn hỏi luật sư việc sau.Tôi thấy có nhiều gia đình mà người già cả là ông bà hay cha, mẹ bị con cháu đối xử không tốt. Vậy nhà nước có quy định nào về việc con cháu phải có trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi.Tôi xin cảm ơn!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi.
Chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ không chỉ là đạo lý truyền thống của dân tộc ta mà còn là trách nhiệm, bổn phận và quyền của người con, người cháu được pháp luật quy định trong Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (khoản 4 Điều 2; Điều 35, Điều 36 ).
Tại Điều 10 Luật người cao tuổi năm 2009 xác định cụ thể người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Theo đó, gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi. Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khoẻ, tâm lý của người cao tuổi; chu cấp về kinh tế; thanh toán chi phí điều trị và chăm sóc y tế, động viên khi người cao tuổi ốm đau; mai táng khi người cao tuổi chết; đồng thời phải cùng nhau hợp tác trong việc phụng dưỡng người cao tuổi.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì uỷ nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhưng phải được người cao tuổi đồng ý. Việc ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ.
Cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ được uỷ nhiệm chăm sóc người cao tuổi có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ với người uỷ nhiệm. Người cao tuổi có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng thay đổi cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ được uỷ nhiệm chăm sóc mình.
Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng trên tham gia phụng dưỡng người cao tuổi.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.