Quy định của pháp luật hiện hành về chế định mang thai hộ
24/06/2017 08:37
Quy định của pháp luật hiện hành về chế định mang thai hộ. Hiện giờ, vợ chồng tôi muốn nhờ người mang thai hộ. Được bạn cùng cơ quan cho biết, hiện nay pháp luật đã cho phép nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ và đó vẫn là con của vợ chồng tôi. Nên tôi muốn Luật sư xác nhận thông tin đó có đúng không, và nếu đúng thì vợ chồng tôi và người mà chúng tôi nhờ mang thai hộ kia cần phải đáp ứng những điều kiện gì để được thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Xin cảm ơn Luật sư.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã hợp pháp hóa việc mang thai hộ. Tuy nhiên, thông tin mà người bạn cùng cơ quan nói với bạn chỉ đúng khi việc mang thai hộ đó là vì mục đích nhân đạo, còn nếu mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác thì sẽ bị pháp luật nghiêm cấm.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được luật hóa tại Khoản 22, Điều 3, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
"Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Thứ hai, về điều kiện của người được nhờ và người nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; và các quy định hướng dẫn chi tiết từ Điều 13 đến Điều 19, Chương V, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2015. Từ những căn cứ pháp lý trên thì, vợ chồng anh chị muốn nhờ người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: quy định chi tiết tại Điều 14, Nghị định này.
– Vợ chồng đang không có con chung;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý: theo quy định tại Điều 15, 16, 17 Nghị Định này.
Tuy nhiên, không phải ai, anh chị cũng có thể nhờ mang thai hộ được; mà chỉ những người đủ điều kiện sau đây mới được mang thai hộ anh chị:
– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Thứ ba, việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Căn cứ theo Điều 94, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: "Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”
Từ những căn cứ pháp lý trên thì vợ chồng bạn có quyền được nhờ người khác mang thai hộ khi đã đáp ứng đủ các điều kiện trên, và con được sinh ra sẽ là con của vợ chồng bạn kể từ thời điểm con được sinh ra.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quy định của pháp luật hiện hành về chế độ mang thai hộ”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!