Pháp luật quy định thế nào khi chồng có hành vi ngoại tình?
23/06/2017 16:54
Tôi và chồng tôi đã kết hôn được 5 năm và có 2 người con. Thời gian công tác, chồng tôi đã chung sống cùng 1 người con gái dân tộc làm ở công trường, 2 người đó đã có một đứa bé 13 tháng tuổi và căn nhà. Tôi muốn ly hôn với bạn ta mà nghĩ thương 2 cháu nên tôi không ly hôn nữa. Nhưng tôi cũng không thể để chồng tôi với người phụ nữ đó chung sống như vậy được.
Vậy tôi muốn luật sư tư vấn nếu tôi kiện pháp luật sẽ xử lý như thế nào, chồng tôi và người phụ nữ đó có phải đi tù không? căn nhà và đứa bé kia pháp luật sẽ giải quyết như thế nào. (Lehoangkimanh…@gmail.com)
Về vấn đề quy định của pháp luật khi chồng có hành vi ngoại tình mà bạn đang quan tâm, công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, với hành vi sống chung như vợ chồng của chồng bạn và người phụ nữ dân tộc.
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành về hôn nhân và gia đình, thì hành vi chung sống như vợ chồng của chồng bạn với người phụ nữ kia bị pháp luật nghiêm cấm vì đã vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình đang được pháp luật bảo vệ; điều này được pháp luật thể hiện tại khoản 1; điểm c, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
"1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
Như vậy, việc chung sống như vợ chồng giữa chồng bạn và người phụ nữ đó là trái với quy định của pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn và người phụ nữ kia đang chung sống giải quyết, ra quyết định yêu cầu chấm dứt việc chung sống với nhau như vợ chồng giữa hai người họ.
Thứ hai, phân chia tài sản chung; quyền và nghĩa vụ đối với cháu bé:
Do hai người họ đã có một đứa bé chung 13 tháng tuổi và một căn nhà riêng là tài sản chung. Nên việc giải quyết quyền và nghĩa vụ sẽ tuân theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Như vậy, cháu bé 13 tháng tuổi sẽ do người phụ nữ kia nuôi dưỡng và chồng bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho cháu bé đến khi đủ 18 tuổi.
Việc phân chia tài sản sẽ do sự thỏa thuận của chồng bạn và người phụ nữ kia; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Thứ ba, chồng bạn và người phụ nữ kia có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.”
Theo đó, chồng bạn và người phụ nữ kia sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 – 3.000.000 VNĐ.
Và nếu như sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính và có quyết định yêu cầu chấm dứt việc chung sống như vợ chồng giữa 2 người họ thì họ sẽ vi phạm pháp luật hình sự về chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 47 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009:
"1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Như vậy, chồng bạn và cô gái kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cảnh cảo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu Pháp luật quy định thế nào khi chồng có hành vi ngoại tình, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!